'Tâm bão' trứng nhiễm thuốc sâu, EU chung tay giải quyết

17:28 | 17/04/2018;
Giữa tâm bão bê bối trứng "bẩn", các quốc gia chỉ mải mê đổ lỗi cho nhau, liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi chính quyền các nước ngừng cãi vã, cùng ngồi lại điều tra nguyên nhân.
Mâu thuẫn vì trứng nhiễm thuốc sâu

Vào tháng 11/2016, các nhà chức trách Hà Lan đã được cảnh báo bởi một nguồn nguồn tin nặc danh rằng thuốc trừ sâu fipronil đang được sử dụng ở các trang trại gia cầm. Tuy nhiên không có thông báo chính thức nào được đưa ra.

Đến tháng 6/2017, sau khi cơ quan chức năng Hà Lan phát hiện dư lượng cao thuốc trừ sâu fipronil trong các mẫu kiểm tra phân, máu và trứng gà, khủng hoảng trứng gà mới thực sự bùng nổ và lan rộng.

Được biết, fipronil là một loại chất hóa học được sử dụng phổ biến trong ngành trồng trọt để trừ sâu bệnh cho cây trồng, nhưng bị cấm sử dụng trong xử lý động vật làm thực phẩm cho con người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàm lượng chất độc fipronil cao có thể gây tổn thương gan, tuyến giáp và thận nếu nuốt vào một lượng lớn theo thời gian. Đặc biệt đối với trứng, luật châu Âu quy định mức tồn dư tối đa (MRL) cho fipronil trong Quy định (EC) 396/2005 ở 0,005 mg/kg.


Một số quốc gia EU đã tranh cãi gay gắt vì nguồn gốc của số trứng nhiễm thuốc trừ sâu. 

Khi đi vào tìm kiếm nguyên nhân khủng hoảng, Bỉ đã bị chỉ trích khi nước này từng bị ô nhiễm fipronil trong trứng vào đầu tháng 6 nhưng không thông báo cho Ủy ban châu Âu cho đến cuối tháng 7. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme đã phản bác và buộc tội chính Hà Lan mới là quốc gia khởi đầu của khủng hoảng khi nước này đã được cảnh báo vấn đề từ tháng 11/2016. Nhưng sau đó, Ủy ban An toàn thực phẩm và sản phẩm của Hà Lan đã bác bỏ cáo buộc trên.

Ngành công nghiệp trứng lao đao

Chỉ trong một thời gian ngắn, danh sách các quốc gia EU bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng trên đã kéo dài lên đến 15 nước, bao gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Ireland, Ý, Luxembourg, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Slovenia và Đan Mạch. Thậm chí, Ủy ban châu Âu sau đó còn thông báo, tại Thụy Sĩ và Hồng Kông (Trung Quốc), cũng phát hiện các sản phẩm trứng bị nhiễm chất diệt côn trùng gây hại.

Sau khi vụ bê bối bị phanh phui, chính quyền Hà Lan đã ngay lập tức đóng cửa 180 trang trại bị nghi ngờ, tiêu hủy và thu hồi lượng lớn gà mái và trứng được bày bán tại các cửa hàng và kho lưu trữ. Một số hộ chăn nuôi tại Hà Lan cũng phải tự tiêu hủy gia cầm của mình. Tại nhiều siêu thị của Hà Lan, các gian hàng bán trứng đều bị thu hẹp và thậm chí là trống không. Ngành nông nghiệp Hà Lan ước tính thiệt hại lên tới hàng triệu Euro khiến Chính phủ nước này phải lên kế hoạch cứu trợ khẩn cấp.

Bế bối trứng gà khiến ngành công nghiệp trứng châu Âu lao đao
Tại Bỉ, 51 trang trại bị đóng cửa, trong đó 22 trang trại nuôi gà giống. Trong số này có 21 trang trại bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu Fipronil trong phân, máu và trứng gà.

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh cho biết nước này cũng đã tiêu hủy tới 700.000 quả trứng. Đây là bê bối thực phẩm lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 2013, khi thịt ngựa bị dán nhãn sai và được bán như các loại thịt khác.

Ngừng tranh cãi, EU chung tay “xóa” trứng bẩn

Sau khi bê bối trứng bẩn bùng nổ, Ủy ban An toàn thực phẩm và sản phẩm Hà Lan đã đưa ra cảnh báo người tiêu dùng rằng, một lô trứng “có mức fipronil tăng cao đến mức nếu tiêu thụ sẽ gây ra nguy cơ sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng”. Ủy ban này cũng đưa ra lời khuyên rằng không nên cho trẻ ăn trứng của ít nhất 27 trang trại khác.

Hà Lan và Bỉ đã mở các cuộc điều tra hình sự với sự tham gia của 140 nhà điều tra.

Cao ủy phụ trách chính sách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) Vytenis Andriukaitis cho biết, ông muốn Hà Lan, Bỉ dừng cáo buộc lẫn nhau về việc bên nào phải chịu trách nhiệm cho bê bối trứng nhiễm fipronil.

Ông Andriukaitis nhấn mạnh rằng Ủy ban “sẽ rất thận trọng và không dung thứ cho bất kỳ hành động phạm tội của bất kỳ ai làm ảnh hưởng đến ngành thực phẩm - một trong những trụ cột kinh tế của Liên minh và danh tiếng của chúng tôi”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Estonia, Tarmo Tamm, nói rằng sức khỏe của công dân EU là vô cùng quan trọng và nhấn mạnh: “Cần phải cải thiện hơn nữa sự hợp tác và trao đổi thông tin giữa các quốc gia để giải quyết những tình huống khủng hoảng nhanh hơn và hiệu quả hơn”.

Sau một loạt hành động quyết liệt, chỉ sau thời gian ngắn, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu, Anna-Kaisa Itkonen, đã tuyên bố tại Brussels: “Nguy cơ trứng “bẩn” đã bị chặn. Trứng bị ô nhiễm đã bị tịch thu và loại khỏi thị trường. Tình hình đang được kiểm soát”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn