Châu Âu tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của thế giới khi số ca nhiễm mới tại nhiêu nước không ngừng tăng, đặc biệt Tây Ban Nha đã phải ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại vùng thủ đô Madrid, trong khi Thụy Sĩ bổ sung thêm nhiều địa phương của Đức, Áo và Italy phải vào danh sách nguy cơ cao.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các khẩn cấp, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới.
Ông nhấn mạnh bảo đảm sức khỏe cho người dân vùng thủ đô là nhiệm vụ then chốt khi chỉ trong tuần trước đã có 66 bệnh nhân COVID-19 tử vong và hiện còn khoảng 500 người đang phải "giành giật sự sống với tử thần."
Trong khi đó, cùng ngày, giới chức y tế Thụy Sĩ đã bổ sung một số tỉnh và thành phố của Đức, Áo và Italy vào danh sách các địa phương có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Theo đó, những người đến từ các khu vực này khi nhập cảnh Thụy Sĩ phải cách ly bắt buộc trong 10 ngày.
Cụ thể, danh sách của Thụy Sĩ được nối dài với các thành phố Berlin và Hamburg của Đức, các tỉnh Burgenland và Salzburg của Áo và các vùng Campania, Sardinia và Veneto của Italy.
Quy định cách ly bắt buộc đối với những người đến từ các khu vực này có hiệu lực từ ngày 12/10 tới. Trước đó, danh sách này có Canada, Gruzia, Iran, Jordan, Nga, Slovakia và Tunisia.
Quyết định trên của Thụy Sĩ được đưa ra cùng ngày sau khi nước này ghi nhận thêm 1.487 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến nay, Thụy Sĩ có hơn 60.300 ca mắc COVID-19 và 2.000 ca tử vong.
Tình hình dịch COVID-19 cũng đang nóng lên ở vùng England của Anh khi số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 9/10 cho thấy số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày ở vùng này đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một tuần. Giới chức y tế Anh lo ngại số ca mắc COVID-19 một lần nữa tăng theo cấp số nhân.
Theo ước tính của ONS, trong tuần từ ngày 24/9-1/10, số ca mắc mới COVID-19 ở vùng England là khoảng 17.200 ca/ngày, so với mức 8.400 ca/ngày của trước đó một tuần. Riêng trong ngày 1/10, con số này lên tới 21.300 ca.
Cũng trong giai đoạn trên, ước tính 224.400 người ở England có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, tương đương cứ 240 dân thì có 1 người mắc bệnh, tăng 92% so với tuần trước đó. Các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở England là khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và Yorkshire.
Tại Đức, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày cũng đang tăng nhanh đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, kết quả cuộc khảo sát của Politbarometer công bố ngày 9/10 cho thấy 77% số người Đức được hỏi bày tỏ mong muốn chính phủ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch. Chỉ có 21% có ý kiến ngược lại.
Cũng theo kết quả khảo sát, chỉ có khoảng 50% số người tham gia khảo sát cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, trong khi gần 70% cho rằng những người đến từ các khu vực nguy cơ cao trong nước cũng cần phải thực hiện cách ly như những người nhập cảnh từ nước ngoài.
Theo số liệu của Viện Robert Koch, Đức ghi nhận thêm hơn 4.000 ca mắc COVID-19 trong ngày 8/10 và hơn 4.500 ca trong ngày 9/10, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 314.660 ca.
Đáng chú ý, tại nhiều khu vực ở thủ đô Berlin cũng như các thành phố lớn như Bremen và Frankfurt, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày trong 7 ngày đã vượt mức 50 ca/1.000 dân, buộc chính phủ phải kích hoạt cơ chế khẩn cấp phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu họp báo ngày 8/10, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã bày tỏ quan ngại về tình hình dịch COVID-19 leo thang ở nước này, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao ý thức và tuân thủ các quy định y tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn