Huyện Thạch An có 6 dân tộc cùng sinh sống: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của huyện.
Ngày nay, hoạt động văn hóa văn nghệ, dân ca dân vũ ở các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống đã diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là những làn điệu hát Then, đàn tính, vốn là thế mạnh của các dân tộc thiểu số ở địa phương này.
Bà Nông Thị Hoa, thôn Pò Lài, xã Trọng Con, cho biết: Hoạt động văn hóa, văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân nơi đây. Là "chiếc nôi" của điệu múa Chầu, bà con ở đây từ già tới trẻ ai cũng biết, yêu thích và say mê tập luyện hát, múa không chỉ trong dịp lễ hội mà cả những khi có thời gian rảnh rỗi, góp phần bảo tồn, phát huy vốn quý của dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Hiện nay, ở nhiều thôn bản, phụ nữ thường chủ động thành lập các Câu lạc bộ, các đội văn nghệ, để sưu tầm, phục dựng và tập luyện các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, đồng thời tự sáng tác các làn điệu mới dựa trên các nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, có sự đa dạng trong vốn văn hóa văn nghệ ở mỗi địa phương, mỗi tộc người trên địa bàn huyện Thạch An.
Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc được lãnh đạo huyện Thạch An quan tâm giữ gìn và phát huy, trong đó phải kể đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các làn điệu dân ca truyền thống như: Hát Then, đàn tính, múa Chầu, hát Phong Slư, lượn Slương, Páo Dung..., bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo nên sức sống mới cho nền văn hóa dân tộc của địa phương. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc với 14 phân chi hội tại các xã, thị trấn; thành lập 11 câu lạc bộ hát dân ca, hát Then - đàn tính. Tiếp tục duy trì lớp thanh nhạc do Trung tâm Đào tạo, thi đấu Thể thao và Nghệ thuật tỉnh tổ chức tại huyện để truyền dạy và lưu giữ các làn điệu dân ca của dân tộc...
Đặc biệt, để bảo tồn, phát huy giá trị điệu lượn Slương, từ năm 2020, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tiến hành quay phim tư liệu liên quan đến âm nhạc dân gian "lượn Slương" của người Tày tại huyện Thạch An; UBND xã Đức Xuân thành lập Câu lạc bộ lượn Slương - Then tính với 12 thành viên tham gia.
Nền văn hóa các dân tộc huyện Thạch An đa dạng và phong phú. Các lễ hội truyền thống vẫn tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn như: Hội pháo hoa (mùng 2/2 âm lịch), được tổ chức hằng năm tại thị trấn Đông Khê; Lễ hội Nàng Hai (tổ chức 2 năm một lần) tại thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng; Lễ hội Bó Puông tại xã Lê Lợi (mùng 8 tháng Giêng âm lịch) thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực cũng là điểm nổi bật trong giá trị văn hóa ở huyện như: Vịt quay, lạp sườn, bánh cười, thạch đen, bí thơm, lê Đông Khê. Dự kiến năm 2023, UBND huyện sẽ tổ chức Lễ hội hoa lê nhằm quảng bá mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của huyện Thạch An, thúc đẩy du lịch của huyện phát triển.
Từ năm 2022, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, tại xã Minh Khai đã tổ chức lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho gần 20 học viên tại địa phương. Người Mông Đen là một nhánh của dân tộc Mông, sinh sống tập trung tại xã Thụy Hùng với 71 hộ dân, vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc về tiếng nói, phong tục tập quán…
Thực hiện đề án của Trung ương, tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn huyện. Đặc biệt quan tâm, gìn giữ, khôi phục các giá trị văn hóa đặc sắc của người Mông đen; thực hiện khảo sát, kiểm kê, ghi chép tiến tới xây dựng làng du lịch cộng đồng người Mông đen tại thôn Ka Liệng, xã Thụy Hùng.
Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch An, để tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, thời gian tới, huyện sẽ phục dựng lại một số lễ hội truyền thống đặc sắc của mỗi dân tộc, phong tục tập quán tốt đẹp, những trò chơi, nghệ thuật dân gian, tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống ở cơ sở, phục vụ du lịch như: Sáo Mông, canh hát lượn, múa Chầu…
Tổ chức các sự kiện lễ hội hoa lê, tuần văn hóa du lịch tại địa phương nhằm thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Lựa chọn một số điểm, làng, xóm tiêu biểu có những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu để lập dự án bảo tồn, phát huy gắn với hoạt động du lịch, văn hóa sinh thái làng. Đẩy mạnh phát triển du lịch tại địa phương, trong đó ưu tiên chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, tạo không gian cho diễn xướng các loại hình văn hóa dân gian.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn