Thai phụ vẫn tiêm được vaccine dại

16:21 | 25/06/2016;
Gần đây, đã có 2 thai phụ ở Thanh Hoá và Nghệ An tử vong sau khi lên cơn dại do không tiêm phòng vaccine khi bị chó cắn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm 2016 đã có 26 ca tử vong do bệnh dại tại các địa phương trên cả nước, giảm 1 ca so với cùng kỳ năm 2015. Trong số các trường hợp tử vong, có 2 thai phụ. 1 trường hợp ở Thanh Hóa, tử vong đầu năm nay; trường hợp còn lại ở Nghệ An, tử vong giữa tháng 6.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, thai phụ bị chó dại cắn và lên cơn dại, cả mẹ và con dễ tử vong. Do đó, khi bị súc vật hay chó dại cắn, phải tiêm phòng dù ở bất kỳ thời gian mang thai nào. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy vaccine dại thế hệ mới ảnh hưởng đến thai nhi, còn bệnh dại nếu đã mắc là tử vong 100%.
 
“Trước đây, nhiều người lo lắng tiêm vaccine ngừa dại có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh, ảnh hưởng đến trí nhớ. Nhưng hiện nay, vaccine phòng dại được sản xuất theo công nghệ hiện đại, an toàn. Ngay tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đang sử dụng 2 loại vaccine phòng dại của Pháp và Ấn Độ, đều là vaccine dại được sản xuất trên công nghệ nuôi cấy tế bào. Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Ưu điểm của loại vaccin này là có hiệu quả phòng bệnh cao, ít gây biến chứng. Phụ nữ có thai bị chó cắn không chống chỉ định tiêm vaccine phòng dại. Vaccine phòng dại không ảnh hưởng đến thai nhi”, TS Cảm cho hay.
Khi bị chó cắn, cần tư vấn và tiêm phòng dại
Tất cả người không may bị súc vật nói chung, chó nói riêng cắn đều phải đến các cơ sở y tế khám, tư vấn và điều trị dự phòng để tránh vết cắn bị nhiễm trùng, mắc uốn ván, bệnh dại…  

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng chống dại như: Tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ; chó nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước ngay lập tức với xà phòng, với cồn 70%, hạn chế làm dập vết thương, không băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Đặc biệt, tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virrus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại thì tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.
 
Biểu hiện lâm sàng của bệnh dại ở người là sợ gió, sợ nước, co giật, liệt, mắt đỏ. Thời gian ủ bệnh thường là 10 - 120 ngày, tùy thuộc vào vị trí vết cắn và độc lực của virus dại.
 
- Những người bị chó cắn không chảy máu: Đối với những người ở địa phương có lưu hành dịch nên tiêm phòng dại và kết hợp việc theo dõi con chó. Với đối tượng ở địa phương không có dịch bệnh dại lưu hành cần theo dõi con chó trong vòng 10 ngày, nếu con chó chết thì cần đi tiêm phòng ngay. Nếu con chó còn sống, không cần đi tiêm phòng.
 
- Người đã tiêm phòng dại và bị chó nhà cắn: Đối với những người đã tiêm phòng dại, nếu bị chó nhà cắn, cơ thể vẫn còn kháng thể có hiệu lực để bảo vệ với bệnh dại thì có thể không cần tiêm phòng. Theo dõi trong 10 ngày, nếu con vật không bị chết thì không cần tiêm phòng. Nếu con chó bị ốm, bệnh thì cần tìm đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

- Đối với phụ nữ mang thai bị chó, mèo cắn: Phụ nữ đang mang thai thường có sức đề kháng kém. Nếu chó, mèo chưa được tiêm ngừa vaccine phòng dại thì cần đến ngay tới cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn