Đậu Pinto là một loại đậu có kích thước trung bình, hình dạng ovan như cúc áo và đặc trưng với màu nền kem và những đốm nâu đỏ. Khi nấu chín, đậu Pinto thường chuyển sang màu nâu và có vị ngọt, bùi. Giống như những loại đậu khác thì đậu Pinto (đậu cúc) là một loại protein có nguồn gốc thực vật với giá trị dinh dưỡng như sau, theo USDA:
Theo đó, 100 gam đậu Pinto nấu chín có chứa:
- Calo: 123
- Carbonhydrate: 23 gam
- Chất xơ: 8 gam
- Đường: 0 gam
- Chất đạm: 8 gam
- Tổng chất béo: 0,5 gam
- Natri: 1mg
- Sắt: 2 mg
- Folate: 147 mcg.
Đậu Pinto không chứa gluten và cholesterol và rất giàu protein, chất xơ và folate. Đậu Pinto còn có các chất dinh dưỡng cần thiết như sắt, magie, thiamin, kẽm và canxi. Chúng có ít chất béo và natri khi được chế biến mà không thêm muối và chất phụ gia.
Chất xơ rất quan trọng đối với sức khỏe của hệ tiêu hóa vì nó giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn trong ruột. Theo Healthline, phụ nữ cần bổ sung khoảng 25 gam chất xơ mỗi ngày còn nam giới là 38 gam. Một cốc đậu Pinto khoảng 171 gam cung cấp tới 40 - 60% DV hàm lượng chất xơ cho phụ nữ và nam giới.
Ngoài ra, ăn đủ chất xơ cũng có liên quan tới sức khỏe tim mạch, kiểm soát lượng đường trong máu và thậm chí hỗ trợ giảm cân hiệu quả hơn.
Đậu Pinto chứa nhiều chất chống oxy hóa lành mạnh, bao gồm polyphenol và flavonoid. Chất chống oxy hóa được biết đến với tác dụng bảo vệ tế bào chống lại tổn thương do các gốc tự do gây ra, theo thời gian có thể tăng rủi ro mắc các bệnh mãn tính.
Đậu Pinto đặc biệt giàu kaempferol, một trong nhiều chất chống oxy hóa có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Theo đánh giá năm 2021 trên Tạp chí International Journal of Molecular Sciences, kaempferol có đặc tính có thể giúp giảm viêm hiệu quả và bảo vệ tế bào chống lại các gốc tự do, giúp giảm nguy cơ ung thư và các bệnh thần kinh như bệnh Alzheimer.
Mặc dù có lượng carb cao nhưng ăn đậu Pinto không làm tăng lượng đường trong máu quá mức do đây là thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, nghĩa là đậu Pinto khi ăn sẽ được tiêu hóa chậm, làm giảm tác dụng của lượng đường trong máu.
Bên cạnh đó, đậu Pinto cũng có nhiều chất xơ và protein, cả hai đều quan trọng trong việc làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu của bạn.
Theo Healthline, một nghiên cứu nhỏ kéo dài 8 tuần cho thấy ăn 86 gam đậu Pinto mỗi ngày giúp giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần và cholesterol xấu, được biết là tác nhân góp phần gây ra bệnh tim mạch; cũng như khuyến khích sản xuất propionate - đây là một axit béo chuỗi ngắn có liên quan tới tác dụng giảm cholesterol trong máu và ổn định huyết áp.
Đậu Pinto cũng rất giàu các chất dinh dưỡng khác nhau, chẳng hạn như magie và kali. Những khoáng chất này giúp ngăn ngừa và ổn định huyết áp tăng cao.
Nhờ giàu protein và chất xơ mà đậu Pinto có thể dễ dàng thêm vào chế độ ăn uống giảm cân, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn từ đó thúc đẩy giảm trọng lượng cơ thể và vòng eo nhỏ gọn hơn.
Hàm lượng protein và sắt trong đậu Pinto giúp loại đậu này trở thành lựa chọn tuyệt vời cho người theo chế độ ăn chay và thuần chay.
Tuy nhiên, đậu Pinto lại không phải một loại protein hoàn chỉnh, nghĩa là nó không chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần và bạn chỉ có thể nhận được từ thực phẩm khác. Điều này có nghĩa là người ăn chay hay thuần chay nếu ăn đậu Pinto vẫn cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật khác như ngũ cốc nguyên hạt hay các loại hạt để đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ các axit amin thiết yếu.
Đậu Pinto là một nguồn folate tuyệt vời, với mỗi khẩu phần cung cấp tới hơn 1/3 lượng folate khuyến nghị hàng ngày của bạn.
Theo Viện Y tế Hoa Kỳ thì folate đặc biệt cần thiết để tạo ra tế bào, mô và hồng cầu trong cơ thể. Đây cũng là một chất dinh dưỡng quan trọng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh của thai nhi trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Các thực phẩm họ đậu từ lâu đã được biết đến là tốt cho sinh lý nam giới nhờ thành phần dồi dào protein, kẽm - đóng vai trò quan trọng trong sản xuất testosterone và cải thiện chức năng sinh lý, sắt và lysine - một hợp chất cần thiết để cấu tạo nên tinh trùng, từ đó cải thiện chức năng sinh sản.
Các chất chống oxy hóa dồi dào trong đậu Pinto cũng góp phần bảo vệ tế bào, cải thiện lưu thông máu, từ đó cải thiện chức năng cương dương.
Ăn nhiều đậu Pinto có thể gây khó chịu cho một số người chẳng hạn như đầy hơi và chướng bụng. Nguyên nhân được giải thích là do raffinose, một loại carbohydrate không được tiêu hóa trong đậu.
Để giảm nguy cơ này, hãy ngâm đậu Pinto qua đêm (hoặc ít nhất 6 tiếng trước khi nấu) và thay nước vài giờ một lần. Đừng quên uống nhiều nước sau những bữa ăn nhiều chất xơ trong suốt cả ngày để phân tăng kích thước cũng như di chuyển dọc theo đường tiêu hóa nhanh hơn, trơn tru hơn.
Người mắc hội chứng ruột kích hoặc từng có tiền sử dị ứng với các thực phẩm họ đậu không nên ăn đậu Pinto, tránh gây dị ứng hoặc phản ứng nghiêm trọng.
Tóm lại, đậu Pinto là một thực phẩm tốt cho sức khỏe nhờ thành phần chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng như protein, kali, canxi, vitamin A, vitamin C,... Ăn đậu Pinto thường xuyên có thể giúp tăng cường sức khỏe lá lách, nuôi dưỡng thận, loại bỏ chất béo xấu, hạ huyết áp, ổn định đường huyết,... Nếu đang sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, hãy hỏi bác sĩ trước khi ăn đậu Pinto để tránh các tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn