Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới: Bình đẳng và trao quyền

18:29 | 23/11/2024;
Bình đẳng giới cần được nhìn nhận trong ý thức và hành động. Từ ý thức tôn trọng tính nữ cho tới hành động trao quyền cho người phụ nữ.

1.

Mẹ tôi thường kể, những năm 60 của thế kỷ trước, khi miền Bắc còn rất ít các phương tiện cá nhân để di chuyển, thì sự kiện người phụ nữ trẻ đi xe đạp ở địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ được rất nhiều người để tâm. Mẹ tôi, khi ấy phụ trách cửa hàng lắp, sửa xe đạp, nên bà khá rành các thiết bị máy móc để lắp đặt chiếc xe đạp hoàn chỉnh. Hàng ngày, bà tự tin đạp xe đi làm hoặc đi nhiều nơi khác để công tác. Có những ngày đạp xe cả trăm cây số.

Mỗi khi đi trên đường, những lời bà thường được nghe thấy là: "Ô, phụ nữ đi xe đạp kìa!". Trong con mắt của rất nhiều người dân thời đó, xe đạp chỉ dành cho đàn ông, còn người phụ nữ thường ngồi ngoan hiền, e lệ phía sau.

Nhưng ở góc độ khác, chính mắt mẹ tôi đã nhìn thấy, khi bà tiễn bố tôi dẫn quân "đi B vào Nam", đó là hình ảnh của rất nhiều nữ chiến sĩ đã ngồi sau vô lăng của các xe tải để vận chuyển lương thực tới chiến trường. Trong cách nhìn của bà, một người phụ nữ được đánh giá rất mạnh mẽ thời điểm ấy, vẫn là sự ngạc nhiên và thán phục cao độ khi được chứng kiến những hình ảnh oai hùng. "Không biết các cô đã học lái xe từ khi nào, mà tới giờ hành quân là thuần thục lái xe tải. Hàng đoàn xe tải thời đó, mẹ đã nhìn thấy, hầu hết là các nữ tài xế", bà kể lại.

Vậy nhưng đến giờ, sau mấy chục năm đã qua, đất nước đã thống nhất và phát triển, mà tư duy ở đâu đó vẫn còn hiển hiện về việc phân biệt giới. Cứ có bất cứ tai nạn giao thông nào ở đâu, mà do nữ tài xế ngồi sau vô lăng, là y như rằng dư luận lên án bằng các cụm từ: "đổ xăng cho phụ nữ là tội ác"; "biết ngay chị em cầm lái mà".

Nhiều người trong chúng ta biết khái niệm "Ninja Lead". "Ninja Lead" ám chỉ các chị em phụ nữ bịt kín khẩu trang, mặc đồ che nắng kín mít, điều khiển xe gắn máy (thường là) nhãn hiệu xe Lead, bấm đèn xi-nhan bên trái nhưng có khi đột nhiên lại quẹo bên phải, và ngược lại. Thậm chí khái niệm "Ninja Lead" đã trở thành "biểu tượng" của việc lái xe rất nguy hiểm, rất không an toàn của nữ giới.

Ở đây, cần minh bạch về lý lẽ. Các nữ tài xế gây tai nạn, tất nhiên phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình. Pháp luật được xây dựng trên nền tảng sự công bằng.

Song, mỗi ngày trên các nẻo đường, đã xảy ra biết bao vụ va chạm, tai nạn giao thông. Khi nam giới là người cầm lái xe ô tô, xe gắn máy, dư luận đón nhận các tin tức một cách không bất thường bằng việc nữ giới ngồi sau tay lái. Thậm chí, để câu "view", truyền thông (bao gồm cả báo chí và mạng xã hội) đã nhấn mạnh về giới tính của người lái xe gây tai nạn. Suy nghĩ "đổ xăng cho nữ giới là tội ác" hiện vẫn đang tồn tại, chủ yếu mang ý nghĩa mỉa mai, giễu cợt nhiều hơn là phân tích về các yếu tố, lý do dẫn tới vụ tai nạn trên đường đi.

Vì sao nam giới lại "được phép" gây tai nạn hơn nữ giới? Vì sao tin tức nam giới gây tai nạn lại bình thường, trong khi nữ giới gây tai nạn lại là sự kiện đặc biệt? Tất nhiên, đó chỉ là câu hỏi tập trung xoáy vào việc bất bình đẳng giới ở khía cạnh lái xe, chứ không phải là câu hỏi cho việc trả lời bình thường.

Bởi chúng ta phải công tâm mà nhìn nhận rằng, những tư duy như vậy, ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội, đã góp phần khoét sâu thêm vào việc bất bình đẳng giới. Một xã hội khó có thể tiệm cận tới sự văn minh, tiến bộ khi vẫn còn có những khái niệm trở thành "tội ác" dành cho các công việc của phái nữ, coi thường tính nữ.

Bình đẳng giới được thể hiện bằng hành động trao quyền cho phụ nữ. Hình minh họa

2.

Tôi từng phỏng vấn bà Tôn Nữ Thị Ninh trong một bài viết, xoay quanh việc trao quyền cho người phụ nữ. Nhà ngoại giao kỳ cựu này đã cho rằng: "Hãy tạo cơ hội cho phụ nữ nhảy xuống nước, thì họ sẽ bơi tốt!" và "Không nên giới hạn vị trí lãnh đạo của chị em chỉ ở 2 ngành là Y tế và Lao động-thương binh-xã hội, kiểu như "ốc đảo" dành cho nữ giới. Đặc biệt bên hành pháp, tôi thấy càng ngày càng ít "ghế" cho phụ nữ. Thật khó cho tôi, khi tôi trả lời cho truyền thông nước ngoài về vấn đề này".

Thử quay đầu nhìn lại vài năm trước, thời điểm bệnh dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Người dân đã trải qua những tháng ngày vất vả, tang thương và lo lắng vô cùng. Lần đầu tiên, người ta nhận biết các khái niệm "cách ly", "F1, F2, F3 …". Bệnh dịch đã đưa tới hàng ngàn hoàn cảnh éo le chưa từng thấy, trong khi cả thế giới tạm ngưng vận chuyển, dịch chuyển và hoạt động. Người lớn làm việc tại gia, con trẻ học hành online. Trong bối cảnh đặc biệt ấy, với sự đa dạng trong không gian mở toàn thế giới ấy, nếu người phụ nữ không được trao quyền, thì thử hình dung cán cân phát triển xã hội sẽ bị lệch lạc đến cỡ nào. 

Chỉ đến khi hữu sự, người ta mới thấu hiểu và biết ơn thêm sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn, kỹ năng khéo léo, chuyên môn vững vàng. Mà các tố chất này, thì người phụ nữ ở thời đại mới phát huy rất tốt, rất xuất sắc.

Ảnh minh họa


3.

Đã hơn 60 năm trôi qua, kể từ khi mẹ tôi đạp xe đạp trên đường đi công tác là chặng đường rất dài của sự phát triển xã hội và của cả đời người. Vậy nhưng từ tư duy "ô, phụ nữ đi xe đạp kìa" tới tư duy "đổ xăng cho phụ nữ là tội ác" vẫn không có gì khác biệt nhiều. Thậm chí, nhờ sự lan truyền "với tốc độ ánh sáng" của mạng xã hội, tư duy "đổ xăng cho phụ nữ" còn được bàn luận, mổ xẻ thêm nhiều khía cạnh hơn theo hướng tiêu cực hơn ở các diễn đàn về xe cộ công khai.

Năm 2022, một dự án nghiên cứu chuyên sâu tiến hành bởi Netstar, nhà sản xuất thiết bị công nghệ cao hỗ trợ truy dấu và bảo vệ xe cộ có trụ sở tại Nam Phi, đã chứng minh rằng, trong tổng số các trường hợp tai nạn giao thông ghi nhận trong vòng 4 tháng liên tiếp, va chạm vì phanh gấp ở phương tiện do phụ nữ điều khiển là 16% - nam giới là 23%; các vụ tăng tốc đột ngột của tài xế nữ chiếm 4% - nam giới là 10%; các tình huống vào cua gắt thiếu an toàn, tài xế nữ là 13% - tài xế nam là 19%. Clifford de Wit - Giám đốc công nghệ của Netstar - cho rằng: "Tất cả chỉ số thống kê đều biểu thị, các khách hàng nữ của chúng tôi có khả năng cầm lái tốt hơn nam giới".

Chính vì vậy, để giảm bớt và lấp đầy dần những định kiến giới, tiến tới bình đẳng giới, rất cần xây dựng nền tảng nhận thức chắc chắn của xã hội, từ đó mới biến thành hành động trao quyền cho phụ nữ.

Để được như vậy, xin hãy bớt đi những lời tán dương sáo rỗng dành cho phụ nữ. Người phụ nữ ở thời đại mới đã được trang bị rất nhiều những kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội. Họ đủ năng lực để từ chối nhận "hoa và quà tặng". Với họ, các quyết sách thống nhất và đầy đủ về bình đẳng giới, chính là thể hiện sự tôn trọng tính nữ trong xã hội. Điều đó cũng thể hiện sự văn minh và tiến bộ của loài người.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn