Với 95 bài phát biểu cùng 5 ý kiến tranh luận về đủ mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc HIển cho rằng hai ngày làm việc vừa qua đã có nhiều kết quả nhất định.
Theo ông, đa số ý kiến ĐBQH cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các ủy ban về các vấn đề kinh tế - xã hội trong năm 2019. Sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2019 đã đạt được kết quả khá toàn diện và tích cực.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, coi đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm năm 2016 - 2020.
Các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và cho rằng tăng trưởng kinh tế ước đạt và có thể cao hơn mức ước thực hiện của Chính phủ là 6,8%. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển biến theo hướng tích cực...
Bên cạnh đó, công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo, hoạt động đối ngoại có nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng chính quyền, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kinh tế tuy tăng trưởng nhưng chưa rõ nét, chưa đi vào những khâu, những lĩnh vực mang tính cốt lõi. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và xử lý các hạn chế yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất là các đại dự án thua lỗ còn chậm.
Quản lý hoạt động đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần tăng cường, doanh nghiệp tư nhân phát triển khá nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đất đai và các chính sách ưu đãi. Liên kết vùng, liên kết kinh tế, liên kết sản phẩm còn hạn chế. Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất chậm, thiếu đồng bộ, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí; phòng chống thiên tai, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, chống xâm ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt chưa thật hiệu quả. Vấn đề an ninh nguồn nước đang đặt ra các yêu cầu cấp bách….
Với năm 2020, đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất mục tiêu tổng quát, các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 như là Báo cáo của Chính phủ.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ bám sát Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính, ngân sách quốc gia 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội. Tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp sáng kiến để có thể thực hiện nhiệm vụ năm 2020, đồng thời đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tích cực xử lý các vướng mắc, hạn chế trong năm 2019, nhất là các vấn đề có liên quan đến chiến tranh thương mại, quan hệ kinh tế với một số nền kinh tế lớn, việc ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, kiên quyết chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển giá, thao túng thị trường cạnh tranh không lành mạnh.
Thực hiện tốt nguyên tắc phát triển bền vững kết hợp kinh tế - xã hội và môi trường. Cần quan tâm các biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020 gắn với việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị đưa đất nước và một giai đoạn phát triển mới trong thập kỷ tới.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua” – Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói.
Sáng nay (1/11), Quốc hội dành một buổi sáng để thảo luận về đề án tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.