Thi thoảng hãy 'giả vờ' phụ thuộc vào con

06:30 | 30/09/2016;
Nhiều cha mẹ luôn đứng ở trên cao để đưa ra những mệnh lệnh, lời răn dạy cho con và kết quả là… “nước đổ lá khoai”. Đôi khi, cha mẹ cần giả vờ phụ thuộc vào con, điều đó sẽ giúp con hành động quyết đoán và mạnh mẽ hơn.
nh-con3.jpg
Nhiều cha mẹ coi "đặc quyền" của mình là được mắng chửi con. Ảnh minh họa internet.

Với nhiều cha mẹ, việc mắng con là thói quen khó bỏ. Họ cho rằng, đó là “đặc quyền” của người làm cha, làm mẹ. Anh Đặng Hữu Tùng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Không hiểu sao, cứ khi nhìn thấy con mắc lỗi, tôi lại không thể kiềm chế được. Câu đầu tiên là tôi mắng con, mặc dù tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng việc con làm vỡ đồ, hay quên, hậu đậu là điều rất bình thường ở tuổi đó!”.

Dù tự nhủ như vậy nhưng anh Hữu Tùng biện minh: Tôi thấy việc mắng con khi con làm sai là điều rất bình thường, chẳng nhẽ lúc đấy lại nói: “Không sao đâu con!". Như vậy sẽ khiến con cứ mãi làm sai và coi việc sai là điều hợp lý. Việc mắng con là không tốt nhưng tôi mong con sẽ trưởng thành hơn sau mỗi lần làm sai.

Theo chuyên gia Trần Đăng Triều (TGM Corp), vấn đề cốt lõi ở đây là con chưa chủ động trong công việc, đa số các con vẫn phải đợi bố mẹ nhắc nhở, con coi việc bố mẹ bảo mình là mình phải làm chứ không phải là việc của con, con không có động lực để chủ động làm những việc này.

Vậy nên, mỗi khi bố mẹ nhắc con làm việc nhà, nhắc con giúp đỡ bố mẹ hay kể cả việc học của con thì con đều cảm thấy không phải là do con muốn nên hay có tâm lý gượng ép, khó chịu. Khi bắt đầu một việc con không muốn, con thường uể oải, dẫn tới không tập trung và làm hỏng… Kết quả là bố mẹ lại tức giận… mắng con… và con khó chịu… bố mẹ khó chịu… Cứ như vậy trong cái vòng luẩn quẩn.

nh-con-2.jpg
Đôi khi, cha mẹ cũng cần giả vờ mình phụ thuộc vào con và nhờ con giúp đỡ trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày. Ảnh minh họa internet.

Thế nên, cùng là mục đích ấy nhưng cha mẹ có thể thay đổi cách nói với con. Những câu nói mang tính mệnh lệnh thường không thuyết phục được trẻ. Chúng cho rằng đây là những việc “phải” làm, làm cho bố mẹ chứ không phải cho bản thân mình nên khiến con không có động lực, không tự giác hành động.

Bí quyết để giúp con có động lực trong cuộc sống, đó là: Cha mẹ không nên tỏ ra quá vượt trội. Thay vì lúc nào cũng thể hiện mình giỏi hơn con, cha mẹ nên để con thấy con giỏi hơn cha mẹ. Cha mẹ nên giả vờ là mình không có khả năng để hoàn thành và yêu cầu con hoàn tất công việc thay mình. Làm như thế có thể cải thiện những trẻ cực kỳ khó tính. Đây thực sự là bí quyết hàng đầu giúp thay đổi con theo chiều hướng tích cực.

Cha mẹ cũng cần giả vờ mình phụ thuộc vào con và nhờ con giúp đỡ trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày. Sự phụ thuộc này sẽ giúp con hành động quyết đoán và mạnh mẽ hơn. Ví dụ, hãy thử yêu cầu con làm những việc như: “Con có thể đưa cái áo cho bố được không? Mẹ đang kho cá nên không lấy được, con giúp mẹ với!”. Khi con hoàn thành công việc, cha mẹ nên cảm ơn con, thể hiện sự hài lòng và khen ngợi con. Trong lòng con sẽ tràn ngập niềm vui vì được mẹ nhìn nhận, khen ngợi và yêu thương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn