Thi THPT Quốc gia 2017: Hết nhập, lại tách?

11:29 | 01/09/2016;
Từ kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, sau 2 năm triển khai, nhiều khả năng năm 2017 sẽ lại tách thành 2 kỳ thi.
 Rất có thể năm 2017, kỳ thi "2 trong 1" sẽ lại tách thành 2 kỳ thi - Ảnh: Dương Hà.

Theo dự thảo ban đầu về phương án kỳ thi năm 2017 của Bộ GD&ĐT, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến sẽ giao cho các Sở GD&ĐT dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh/thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi.

Cách thức ra đề thi cũng dự kiến với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh có quyền lựa chọn 1 trong 2 bài thi khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên để làm bài. Dự kiến bài thi theo định dạng tổng hợp ở kỳ thi THPT sẽ được thiết kế để thi trên giấy.

Về tuyển sinh ĐH, có 2 phương án: Bộ GD&ĐT đứng lên tổ chức một kỳ thi chung, các trường có thể tự nguyện tham gia lấy kết quả xét tuyển, nhưng phải sử dụng chung một phần mềm do Bộ quy định để tránh tình trạng ảo như năm 2016. Phương án thứ hai là các trường đứng ra tự tổ chức một kỳ thi nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra tình trạng luyện thi; thí sinh phải di chuyển về các thành phố lớn để thi như trước đây.

Sáng 1/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga có thừa nhận rằng, công tác tổ chức thi năm nay vẫn còn nặng nề. Một lượng lớn cán bộ, giảng viên từ trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương dẫn đến khó khăn, tốn kém. Việc tổ chức 2 loại cụm thi khiến nhiều người băn khoăn về sự công bằng, khách quan. Thời gian thi kéo dài, chưa ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để trong các khâu của công tác thi và tuyển sinh.

“Quan điểm tiếp tục đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ tuân thủ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Chúng tôi sẽ tập trung theo hướng tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đi liền với tăng cường chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, giảm áp lực thi cử, giảm chi phí xã hội, không gây sốc cho thí sinh. Phương án thi mới này cũng sẽ theo hướng ổn định, bền vững lâu dài” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Dự thảo về phương án thi năm 2017 sẽ được công bố vào năm học mới để lấy ý kiến rộng rãi trước khi chốt phương án cuối cùng. Theo ghi nhận, đại diện nhiều trường ĐH đồng ý với phương án tách hai kỳ thi. Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Thủy lợi cho hay, nên để các địa phương lo phần xét công nhận tốt nghiệp THPT, điều này giúp cho chất lượng bài thi xét tuyển vào ĐH, CĐ tốt hơn. “Thí sinh vừa yên tâm làm bài, sự phân hóa cũng sẽ thấy rõ trong từng bài thi. Các trường ĐH, CĐ sẽ có căn cứ sát hơn để lựa chọn nguồn tuyển” - ông Thạc nói.

Về phía phụ huynh, sau khi nghe thông tin này, chị Vũ Hải Lan (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chia sẻ: Tôi mong Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để có phương án thi ổn định, đừng khiến phụ huynh, học sinh phải "chạy theo" Bộ bởi có những vấn đề càng thay đổi càng khiến chúng tôi thấy... rối và lo lắng nhiều hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn