'Thiên thần chiến trường' sáng lập Hội Chữ thập đỏ Mỹ

09:49 | 20/01/2017;
Xuất thân là một y tá trong cuộc nội chiến Mỹ với mệnh danh ‘Thiên thần trên chiến trường’, Clara Barton sau này đã sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ Mỹ và có những cống hiến bền bỉ để xoa dịu nỗi đau nhân loại.

Clara Barton được biết đến với vai trò là người sáng lập Hội Chữ thập đỏ Mỹ với tên gọi ban đầu là Hiệp hội Chữ thập đỏ vào năm 1881 - tổ chức có vai trò quan trọng trong việc cứu trợ thiên tai trên toàn nước Mỹ và trợ giúp nhân đạo trên thế giới sau này.

Clara Barton sinh ngày 25/12/1821 tại Oxford, tiểu bang Massachusetts, trong một gia đình có 5 người con, bà là con út. Sau 18 năm hoạt động trong ngành giáo dục, năm 1854, bà chuyển sang làm việc cho văn phòng cấp phát bằng sáng chế của chính phủ tại thủ đô Washington.

1.jpg
 Chân dung bà Clara Barton.

Khi cuộc nội chiến Bắc - Nam tại Hoa Kỳ bùng nổ, bà Clara xung phong vào đoàn nữ chiến binh phụ trách về tiếp tế và chăm sóc các thương bệnh binh tại chiến trường. Tại đây, với tấm lòng yêu thương và sự quả cảm, can trường, bà đã xông pha trong khói lửa tải chiến sĩ bị thương ra khỏi chiến trường và săn sóc họ một cách tận tình, chu đáo. Tiếng tăm của bà vang xa không một chiến sĩ nào là không biết. Người ta gọi bà là 'Thiên thần của chiến trường’.

Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, bà Clara tiếp tục xả thân với nhiều hoạt động để hàn gắn chiến tranh. Bà mở văn phòng tìm kiếm thông tin những người lính mất tích trong chiến tranh và lo xây cất mộ phần đẹp đẽ cho 12.000 tử sĩ.

Do làm việc quá hăng say, đến một ngày, Clara ngất xỉu và phải nằm trên giường bệnh nhiều ngày. Đến lúc bình phục, một bác sĩ đã khuyên bà nên đi du ngoạn ở một nơi nào đó để tĩnh dưỡng cả tinh thần lẫn thể chất trong một thời gian. Clara đã chọn Thụy Sĩ.

Tháng 9/1869, Clara âm thầm xách hành lý một mình xuống tàu thủy sang châu Âu. Mấy ngày sau, bà đến được thành phố Geneva của Thụy Sĩ. Nghỉ ngơi được vài ngày thì có một phái đoàn 5 người do bác sĩ Louis Appia dẫn đầu đến xin được thảo luận với bà.

Họ tự giới thiệu là những người của Hội Chữ thập đỏ quốc tế đặt trụ sở tại Geneva, một tổ chức quốc tế từ thiện mà Clara chưa một lần được nghe đến. Nguyên nhân bởi vào năm 1863, khi Hội Chữ thập đỏ quốc tế được thành lập với 16 quốc gia thành viên thì tại Hoa Kỳ đang xảy ra nội chiến, vì vậy chính phủ không để ý gì đến các tổ chức quốc tế đang hoạt động rầm rộ tại Âu Châu. Nhờ phái đoàn mà bà Clara được biết tại sao Hội Chữ thập đỏ được thành lập.

2.jpg
 Trong cuộc nội chiến Mỹ, bà được mệnh danh là 'Thiên thần trên chiến trường'.

Hiểu rõ về tôn chỉ và mục đích của một tổ chức quốc tế lớn lao, trong lòng Clara Barton vô cùng vui sướng. Bà lại bỏ ý định nghỉ ngơi để tham gia nhiều hoạt động xã hội tại châu Âu.

Trước tiên, Clara xin xung phong hoạt động trong Hội Chữ thập đỏ Pháp. Trong thời gian này, giữa Pháp và Đức đang xảy ra cuộc chiến. Tuy nhiên, điều khiến Clara thực sự ngạc nhiên, đó là dưới lá cờ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, giữa người và người là bạn mà không hề có thù. Cả hai nước Pháp và Đức đã mở hai trụ sở của Hội Chữ thập đỏ bên nhau. Mặc bên ngoài bom đạn đang nổ vang, máy bay gầm thét thì hai tòa nhà của Hội Chữ thập đỏ vẫn đứng vững và trong đó những nhân viên làm việc xem nhau như bạn, hoạt động cùng nhau với mục tiêu cao cả xoa dịu lại nỗi thương đau của nhân loại.

Trong 4 năm ở châu Âu, Clara Barton đã giúp Đức thiết lập thêm một số bệnh viện. Năm 1873, bà trở về Mỹ và ngay lập tức mở một chiến dịch vận động Hoa Kỳ tham gia vào Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Tuy vậy cuộc vận động của bà gặp nhiều khó khăn.

Vị tổng thống Mỹ đầu tiên bà được tiếp xúc là Tổng thống Rutherford B. Hayes. Ông này không tỏ ra niềm nở với chương trình vận động của bà. Đến kỳ bầu cử, Tổng thống James A. Garfield lên kế nhiệm đã có nhiều thiện cảm với chương trình của bà nhưng đến phút cuối, ông bị ám sát nên công việc lại bị đình trệ.

Khi Tổng thống Chester A. Arthur lên thay, mãi đến một năm sau, Hoa Kỳ mới chính thức gia nhập Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Như vậy, sau 9 năm trời vận động với biết bao nhiêu tâm tư, công sức, tâm nguyện của bà Clara Barton mới trở thành hiện thực. Bà trở thành người sáng lập và được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ.

3.jpg
 Bà là người đã tốn nhiều tâm tư, công sức để sáng lập nên Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ và có nhiều hoạt động góp phần xoa dịu nỗi đau nhân loại.

Trong 23 năm đảm nhiệm chức vụ trên, bà Clara đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế và chính bà là người đã đề nghị, Hội Chữ thập đỏ quốc tế không những hoạt động trong thời chiến mà còn hoạt động cả trong thời bình.

Bà đã tổ chức những cuộc cứu tế xã hội để xoa dịu những nỗi đau khổ của con người như trong dịch sốt da vàng ở Florida vào năm 1887, trận lũ lụt ở Johnstown thuộc Pennsylvania năm 1889, nạn đói ở Nga năm 1891, vụ lộn xộn ở Armenia năm 1896, cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898... Cuộc cứu trợ cuối cùng mà bà thực hiện nạn lụt tại Galveston, tiểu bang Texas năm 1900.

Năm 1912, Clara Barton mất tại Glen Echo, tiểu bang Maryland, hưởng thọ 91 tuổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn