Thống Nhất môn ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên): Hình ảnh phụ nữ tượng trưng cho khát vọng thống nhất

14:49 | 10/03/2019;
Khi vào thủ đô Bình Nhưỡng (Cộng hòa DCND Triều Tiên), du khách sẽ đi qua Thống Nhất Môn. đó là một vòm điêu khắc nghệ thuật - Công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng vào năm 2001 để kỷ niệm đề nghị thống nhất Triều Tiên do lãnh tụ Kim Nhật Thành đưa ra.

Bên cạnh những công trình kiến trúc nổi tiếng như Khách sạn Ryugyong, Bảo tàng chiến tranh, Ga tàu điện ngầm, sân vận động 1/5, Tổ hợp khoa học công nghệ, Công viên nước Munsu, Tượng đài của chủ tịch Kim Nhật Thành, cổng chào trên lối vào của thủ đô Bình Nhưỡng (còn gọi là The Arch of Reunification, cổng Thống Nhất hay Thống Nhất môn) với thiết kế hoành tráng và ý nghĩa, gây ấn tượng với những du khách tới đây.

 

Cổng chào trên lối vào của thủ đô Bình Nhưỡng còn gọi là Cổng Thống Nhất với biểu tượng hai người phụ nữ giống hệt nhau trong trang phục Hanbok truyền thống của Triều Tiên được cho là tượng trưng cho khát vọng thống nhất của hai miền Triều Tiên.

 

Cổng Thống Nhất bằng bê tông, cao 30m và rộng hơn 62m, được khai trương vào tháng 8/2001. Quả cầu mà hai phụ nữ nâng có bản đồ hình bán đảo Triều Tiên thống nhất toàn vẹn. Hình cầu là biểu tượng của Ba Điều lệ, đó là Ba nguyên tắc thống nhất quốc gia, Kế hoạch thành lập Cộng hòa Liên bang Dân chủ Koryo và Chương trình Mười điểm của Đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Dưới chân công trình này là những tác phẩm điêu khắc bằng đồng và khắc những thông điệp hòa bình của những người nổi tiếng, các cá nhân, tổ chức và quốc gia ủng hộ mục tiêu hòa bình của Triều Tiên. Điều này càng gia tăng sức nặng và ý nghĩa của công trình mang lý tưởng hợp nhất cao cả này. Năm 2002, Thống Nhất môn chính thức xuất hiện trên con tem bưu chính của Triều Tiên.

 

1_166559.jpg
Cổng Thống Nhất ở Thủ đô Bình Nhưỡng (Cộng hoà DCND Triều Tiên)

 

Công trình kiến trúc được đặt ở cửa ngõ phía Nam, tuyến đường huyết mạch đi vào thủ đô đã khẳng định khát vọng đồng nhất và hòa bình của người Triều Tiên. Từ đây tiến vào là đường cao tốc Bình Nhưỡng - Kaesong, còn được gọi là Đường cao tốc thống nhất. Đường cao tốc kết nối Bình Nhưỡng với Khu vực an ninh chung (JSA) tại DMZ và thẳng đường là Seoul (Hàn Quốc).

 

Sự hoành tráng của công trình này cũng cho thấy Triều Tiên không phải là một đất nước thu mình một cách bảo thủ và lạc hậu. Giới chức Triều Tiên đã biết đầu tư một cách hiệu quả để gây dựng hình ảnh một đất nước ưa chuộng hòa bình và thống nhất giữa cơn bão về thái độ gây hấn bủa vây. Từ đây, cũng cho thấy thiện ý hòa bình của đất nước này, hơn ai hết, phụ nữ, những người chị em thân thiết và đồng cảm là lực lượng đại diện cho sự mềm mại, dịu dàng và tình cảm tượng trưng cho sợi dây kết nối hai miền.

 

Giữa nền trời xanh thắm, chiếc cổng chào quen thuộc mời gọi những ai đến với Bình Nhưỡng, đến với mảnh đất hiền hòa và giàu bản sắc dù vẫn còn đó nhiều khó khăn về kinh tế. Chiếc cổng chào cũng là hiện thân cho khát vọng và đề xuất thống nhất đất nước của nguyên lãnh tụ, ông Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), nay được các thế hệ đi sau tiếp nối.

 

Sau nhiều năm tồn tại, công trình cổng Thống Nhất đã trở thành hình ảnh quen thuộc của những người tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên cũng ngày có thêm nhiều động thái tích cực để thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp, gây dựng hi vọng về triển vọng thống nhất không còn là lý tưởng mà sẽ trở thành hiện thực một ngày không xa. 

 

Cũng giống như Liên bang Đức và nước Nga thời kỳ Xô Viết, Triều Tiên có xu hướng đầu tư vào các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, tôn vinh và khẳng định lý tưởng của giới cầm quyền, đoàn kết toàn dân cùng chung một mục đích mà cổng chào Thống Nhất là một thí dụ tiêu biểu. Người Triều Tiên cũng đặc biệt tự hào về những công trình này.

 

Cổng Thống Nhất và nhiều công trình kiến trúc ở đất nước này đã gợi lại trong nhiều người ký ức về cảnh quan truyền thống những thập niên 80 của thế kỷ trước. Người Triều Tiên nhiều thế hệ nay vẫn mơ ước một ngày được đoàn tụ với những người họ hàng, ruột thịt ở phía Nam đất nước. Và cổng Thống Nhất gửi gắm tâm nguyện ấy.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn