Dốc, dốc và dốc
Chọn cung đường xuất phát ở Lào Cai, chúng tôi bắt xe từ TP Lào Cai lên Mường Hum, rồi bắt xe ôm tới xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát), tìm đường đến bản của người Mông nằm ở độ cao 1.100m có cái tên Ky Quan San. Từ đây, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.
Thào A Tủa (24 tuổi) - chàng trai trẻ dẫn đường cho chúng tôi - cũng chính là dân bản Ky Quan San. Xốc chiếc balô với đầy đủ đồ ăn cho 3 đêm ngủ rừng, cùng với các vật dụng cá nhân cần thiết, lều, túi ngủ, chúng tôi hăng hái lên đường.
Dốc, dốc và dốc - những con dốc khi thì ngoằn ngoèo, lúc lại thẳng một mạch khiến đôi chân lâu ngày chưa quen với việc cuốc bộ leo dốc liên tục, đi được chừng 15-20 phút đã bắt đầu chùn gối, ai cũng đứng thở phì phò. Mệt thì ngồi phịch xuống nghỉ, hồi sức lại tiếp tục xốc balô lên đi…
Cờ Việt Nam trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử. Ảnh: ST
Ngày đầu tiên, con đường chúng tôi qua là lối mòn mà người dân bản vẫn thường vào rừng hái nấm, trồng thảo quả. Cây cối phần lớn là những cây bụi, nhiều cây họ dương xỉ. Quãng đường đi ngày đầu khá vất vả do balô chứa nhiều đồ, lại là ngày “làm quen” với việc leo rừng sau cả năm co gối ngồi ở văn phòng. Sức lực của chúng tôi dần bị rút cạn bởi những đoạn đường ẩm ướt, lầy lội cộng với những con dốc cao ngút.
Xác định không cần đi cố, chiều tối tìm được khoảng đất rộng, gần chỗ có nước để nấu nướng là có thể dừng nghỉ nên tâm lý ai cũng thoải mái. Ngặt nỗi, đường xa, càng lên cao không khí loãng, gió lạnh thổi liên tục nên chúng tôi mất sức hơn. Thào A Tủa động viên: “Đi chừng 20 phút nữa thì đến được điểm nghỉ có nước nấu cơm!”. Ai dè, tưởng gần mà hóa xa. Bóng tối phủ xuống trong lúc ai cũng bắt đầu mệt rã rời. 20 phút leo núi của Tủa bằng với 1 tiếng để chúng tôi “lê” được đến chỗ nghỉ đêm. Trên cao, nhiệt độ xuống thấp, gió thổi lạnh thấu. Cả bọn chui vào chiếc lều gỗ để không mà người dân dựng trên núi để thỉnh thoảng lên coi dê nuôi tại đây. Bếp lửa hồng và bữa tối ấm cúng nhanh chóng xua tan cái lạnh giá, mỏi mệt.
Đại dương mây trên Bạch Mộc Lương Tử (Ảnh sưu tầm)
Ngỡ như chỉ có trong mơ
Bù cho ngày đầu tiên vất vả, hành trình leo Bạch Mộc Lương Tử những ngày tiếp sau khá “nhẹ nhàng”, khi mọi người đã bắt đầu quen nhịp. Không còn cảm thấy sức nặng của chiếc balô trên lưng, những bước chân nhẹ hơn. Vượt qua rừng già với lối đi nhiều khi phải vận đến cả tay để bám cây đu người lên, những thảm rêu mục nát, những dốc đá dựng đứng, chúng tôi lặng người khi chứng kiến biển mây trắng xóa dưới chân mình. Sau lưng là núi. 3 phía xung quanh, cả không gian rộng lớn là một “đại dương mây” bao phủ, bồng bềnh. Không phải là mây ở trên cao, mà là màn mây bông giăng kín dưới thấp.
Các dãy núi cao, nhấp nhô ẩn hiện trải dài và rộng trước tầm mắt như một bức tranh phong cảnh vô cùng hùng vĩ. Chỉ cho chúng tôi những dãy núi nhô lên phía xa xa, Thào A Tủa bảo: “Phía đó là đỉnh Fanxipan (cao 3.143m), phía kia là đỉnh Phu Ta Leng (cao 3.096m), đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (trên 3.000m), sau lưng mình, phải leo thêm nữa mới là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử”.
Thả chiếc balô xuống đất cho đôi vai nghỉ ngơi, chúng tôi cứ lặng ngồi ngắm khung cảnh đẹp tưởng như chỉ có trong mơ. Nắng vàng rực rỡ. Thấp thoáng nhô lên trên biển mây là những đỉnh núi xanh như các hòn đảo và dải đảo nhỏ tạo thêm nét chấm phá, mang đến khung cảnh thật hùng vĩ. Bỗng thấy mình thật nhỏ bé trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn và đẹp đến nao lòng này. Mỗi người như đắm chìm trong thế giới của riêng mình, tìm góc hình đẹp để lưu lại.
Cảnh đẹp thần tiên là động lực giúp chúng tôi leo nhanh hơn lên đỉnh núi. Những đoạn dốc đá cao nhanh chóng bị bỏ lại sau lưng. Sau 2 tiếng vượt dốc, len lỏi trong rừng trúc mà cả nhóm cứ đùa là đang ở trong phim trường “Thập diện mai phục”, chúng tôi đã cắm lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.
Thông tin cho bạn
* Bạch Mộc Lương Tử nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Người dân tộc Thái vẫn gọi dãy núi nổi tiếng hiểm trở này là Khau Phạ (nghĩa là "sừng trời"), từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người thích du lịch mạo hiểm, khám phá.
* Có 2 đường để leo Bạch Mộc Lương Tử: từ hướng Lào Cai, xuất phát từ bản Ky Quan San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) và từ hướng Lai Châu, leo từ bản Dền Sung (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ).
* Thông thường, thời gian để leo Bạch Mộc Lương Tử hết 3 ngày 2 đêm. Do quãng đường đi khá xa nên để đến điểm nghỉ chân trước lúc mặt trời lặn, cần xuất phát leo núi sớm. Điểm nghỉ chân này là thung lũng kín gió, nằm ở độ cao 2.100m, có lán gỗ của người dân, gần nguồn nước.
* Mùa đông và xuân là thời gian leo núi tốt nhất. Khi đó, thời tiết lạnh, trời ít mưa, quang đãng, là dịp thuận lợi để ngắm biển mây trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.
|