Phát biểu khai mạc cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) diễn ra vào hôm nay (24/5), ông Guterres nhấn mạnh: "Chúng ta đang trong trận chiến với Covid-19. Thế giới cần vận dụng tính logic và khẩn cấp của một nền kinh tế thời chiến để nâng cao năng lực vũ khí". Tổng thư ký Guterres cho rằng, đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đang khiến "những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu nhiều nhất" và ông khẳng định, tình trạng này còn lâu mới kết thúc.
Tổng thư ký Guterres cũng nêu thực trạng trong khi các nước giàu tiêm chủng cho đa số người dân và mở cửa nền kinh tế trở lại, đại dịch Covid-19 lại tiếp tục gây đau khổ ở những nước nghèo nhất. Ông Guterres muốn chương trình COVAX sớm phát huy được sự hiệu quả để nhiều người dân trên thế giới, nhất là những người dân nghèo, sớm được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19.
COVAX là một sáng kiến toàn cầu nhằm phân bổ công bằng các loại vaccine ngừa Covid-19 do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Liên minh vaccine Gavi (trước đây là Liên minh Toàn cầu vaccine và miễn dịch), WHO, Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) cùng nhiều tổ chức khác, khởi xướng từ năm 2020.
Mục đích của chương trình là nhằm đảm bảo các nước giàu và nghèo có thể tiếp cận với vaccine một cách công bằng. Tùy nhiên, cho đến nay, chương trình vẫn chưa phát huy được sự hiệu quả. COVAX muốn giao 2 tỷ liều vaccine cho toàn cầu trong năm 2021, nhưng gần nửa năm chuẩn bị trôi qua, mục tiêu này mới được hoàn thành 3,4%.
COVAX phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: 92 quốc gia có thu nhập thấp không đủ khả năng chi trả cho việc nghiên cứu vaccine, trong khi nhiều chính phủ giàu có lại ký hợp đồng riêng với các công ty sản xuất vaccine như Pfizer và Moderna.
Sự thiếu hụt nguồn vaccine và nguyên liệu thô để sản xuất vaccine do một phần do các nước giàu đã mua rất nhiều nguồn cung vaccine sớm.
COVAX cần các quốc gia giàu có chia sẻ những liều vaccine đã nhận, ví dụ như khoảng 73 triệu liều vaccine mà Hoa Kỳ đang dự trữ. Đến tháng 7/2021, Hoa Kỳ dự kiến thừa ít nhất 300 triệu liều vaccine, kể cả khi Hoa Kỳ muốn tiêm chủng cho phần lớn trẻ em trong nước, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ). Mặc dù vậy, cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chia sẻ vaccine rất nhỏ giọt cho các quốc gia nghèo.
Trong số các nước giàu, mới chỉ có Thụy Điển tích cực trong vấn đề này. Cho đến nay, quốc gia Bắc Âu đã tặng 1 triệu liều vaccine Covid-19, tương đương 1/5 nguồn cung hiện nay của họ, ngay cả khi mới chỉ hơn 30% dân số được tiêm chủng.
Tuần trước, ông Guterres đã kêu gọi G20 thành lập một nhóm chuyên trách gồm tất cả các nước có năng lực sản xuất vaccine và những người có thể giúp thúc đẩy sản xuất vaccine Covid-19 nhanh chóng.
Bên cạnh cuộc chiến chống Covid-19, Tổng thư ký Guterres cũng nhấn mạnh tầm quan trọng để chuẩn bị cho đại dịch có thể xảy ra sau này. Lãnh đạo Liên Hợp Quốc cho biết hơn 3,4 triệu người chết và khoảng 500 triệu người thất nghiệp kể từ khi Covid-19 lần đầu bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn