TP.HCM, sốt xuất huyết tăng 20% sau 1 tuần

13:44 | 10/08/2016;
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, thành phố ghi nhận 256 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 20% so với tuần trước đó (209 ca).
Trong khi đó, theo số liệu của Sở y tế T.PHCM, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 9.000 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 62% so với cùng kỳ 2015 (5.440 ca), trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Tại BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM), số liệu thống kê từ phòng Kế hoạch Tổng hợp, cho thấy, nếu như vào thời điểm tháng 6, BV chỉ tiếp nhận 282 bệnh nhi đến khám và 125 trường hợp nhập viện điều trị liên quan đến SXH thì trong tháng 7, đã có 440 trường hợp trẻ bị SXH đến khám và 273 trẻ phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 8, BV tiếp nhận 142 bệnh nhi SXH đến khám, trong đó có 88 ca điều trị nội trú.

Theo BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết, SXH trong những ngày gần đây đang gia tăng, hiện khoa điều trị khoảng 50 bệnh nhi, trong đó đa phần đến từ các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Nông...
dsc05081.JPG
 Thăm khám cho bệnh nhi SXH tại BV Nhi Đồng 2
Cũng theo BS Trần Nam, đỉnh điểm của SXH thường rơi vào tháng 9, 10 và 11, với diễn tiến thời tiết như hiện nay, nếu không có cảnh báo sớm và người dân không chủ động trong việc phòng chống muỗi, SXH sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, những trường hợp SXH được chuyển đến khoa trong tình trạng nặng phần lớn là do người nhà chủ quan, đưa bé đến trong tình trạng quá nặng.

“Một trong những lý do dẫn đến bệnh nặng, tử vong là sự chủ quan, lơ là trong việc theo dõi phát hiện bệnh giai đoạn sớm, dẫn đến nhập viện trễ. Với những trẻ lớn, bố mẹ cứ tưởng bệnh của bé tự khỏi nên không đưa đi khám sớm hoặc phụ huynh đưa trẻ đi khám ở những BV tư, phòng khám chưa có kinh nghiệm điều trị. Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa diệt muỗi, lăng quăng chưa được người dân thực hiện đầy đủ và hiệu quả”, BS Nam khuyến cáo.

Để phòng tránh SXH, theo BS Nam, phụ huynh cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và người chăm trẻ; vệ sinh hằng ngày môi trường sống; diệt muỗi và không tạo môi trường để muỗi sinh đẻ; thực hiện ăn chín, uống sôi… Đặc biệt, khi phát hiện bé sốt cao đột ngột trên 38 độ C, kéo dài trong 3 ngày không hạ hoặc các dấu hiệu nặng hơn như tay chân lạnh, lừ đừ, ói, đau bụng, chảy máu mũi, bầm da nhiều nơi, đi tiểu ít... thì phải lập tức đưa bé đến các trung tâm y tế hoặc BV gần nhất để được xét nghiệm chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn