Trẻ bạo lực khi không có lòng trắc ẩn

09:00 | 10/11/2016;
Trẻ không có lòng trắc ẩn với bạn bè chính là lý do góp phần không nhỏ làm gia tăng bạo lực học đường thời gian gần đây.

Nguyễn Khánh Nhân (học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội), khi đề cập đến tình trạng học sinh đánh nhau, đã chia sẻ: Áp lực học tập, sức ép từ gia đình khiến nhiều học sinh không giữ được bình tĩnh, cộng với cái tôi quá lớn nên đã dồn hết cơn giận dữ lên bạn khác.

“Điều đáng nói là nhiều bạn đánh nhau đã chủ động đưa clip lên mạng xã hội như để thể hiện với các bạn khác sự oai phong của mình. Còn các bạn bị đánh, không dám lên tiếng, vì sợ sệt nên người đánh càng có lý do để làm càn hơn!” - Khánh Nhân cho biết.

 Tình trạng bạo lực giữa các học sinh ngày càng gia tăng chỉ vì người đánh muốn thể hiện "vị trí". Ảnh minh họa internet.

Trong khi đó, chị Lê Thu Trang (nhân viên bán hàng siêu thị ở Cầu Giấy, Hà Nội), có con học tiểu học, tỏ ra lo ngại vì thói quen lướt mạng xã hội của nhiều học sinh. Thậm chí từ lứa tuổi tiểu học, nhiều trẻ đã có trang cá nhân riêng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các con.

“Một clip học sinh đánh nhau đã được chia sẻ với tốc độ rất nhanh, nhiều lúc tôi vô tình xem ngay trước mặt con gái (8 tuổi) khiến con rất hiếu kỳ. Nếu người lớn không giải thích ngay để con nhìn nhận đúng bản chất của nạn bạo lực thì có thể trẻ càng tò mò, muốn thể hiện như các bạn trong clip” - chị Trang bày tỏ.

Theo dõi một số vụ bạo lực giữa các học sinh thời gian gần đây, có thể thấy những lý do dẫn đến bạo lực xuất phát từ những điều quá đơn giản trong cuộc sống: Đánh vì không ưu nhau, bị khiêu khích, đánh vì ghen hay không có lý do gì cũng đánh.

TS. Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho biết, những nghiên cứu mà ông tiếp cận cho thấy, chính việc đảo lộn giá trị sống là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự hung hãn, bạo lực ngày càng gia tăng trong trường học. “Chúng ta đang cổ vũ những giá trị vượt trội, trong đó có việc con cái cần phải học tập vượt trội, không được thua bạn bè… Đề cao lợi ích cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến sự hung hãn” - TS. Hà nói.

"Chính sự cạnh tranh quá sớm trong nhà trường là một trong các yếu tố dẫn đến việc đứa trẻ không hiểu đâu là giá trị tốt đẹp, đâu là những điều chưa tốt cần sửa. Trẻ bị áp lực về thành tích, lao đầu vào học nên không có thời gian để vui chơi, để hoạt động ngoại khóa và để yêu thương. Sự xa cách về giao tiếp, smartphone, tivi... bị lạm dụng tối đa khiến trẻ không có lòng trắc ẩn với bạn bè", TS Phạm Mạnh Hà phân tích.

Muốn giảm bạo lực, cần tăng các hoạt động ngoại khóa cho trẻ, hạn chế cho trẻ tiếp cận với internet quá nhiều khiến trẻ bị lây nhiễm các hành vi xấu từ mạng xã hội - đây cũng là cách để cha mẹ bảo vệ con khỏi tình trạng bạo lực học đường.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn