Trẻ lớp 1 bỏ ăn, bỏ ngủ để hoàn thành bài tập về nhà

16:08 | 01/09/2016;
Ai cũng thấy bức xúc khi biết chuyện con gái chị Thùy Dương (Đông Anh, Hà Nội) đang học hè, mới tập làm quen với chữ cái đầu tiên nhưng đã bị cô giáo giao về nhà tập viết 6 trang vở/ngày.
Đi làm về muộn, thấy con gái 6 tuổi đang ngồi “đánh vật” với bài tập viết mà không ăn cơm tối, chị Nguyễn Thùy Dương (Đông Anh, Hà Nội) thuyết phục con nghỉ một lát để ăn cơm mà con không nghe vì muốn cố viết cho xong.

Chị Dương còn quát con, cho rằng cả buổi chiều con lười không chịu viết, thế nên giờ mới “vắt chân lên cổ”. Con mếu máo khóc, bảo cô giáo giao viết 6 trang, cả chiều con viết được 3 trang và giờ còn 3 trang nữa. Nhìn thấy lượng bài tập “khổng lồ” với đứa trẻ chưa chính thức bước vào lớp 1, chị Thùy Dương vô cùng bức xúc.

Con học hè từ đầu tháng 8 đến hết ngày 1/9 vào tất cả các buổi sáng trong tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật). Những ngày mới đi học, ngày nào cô cũng chỉ giao viết 2 trang ở nhà. Những ngày gần đây, cô giao lên 4 trang. Ngày 31/8, “nhiệm vụ” của con là viết 6 trang vở - điều đó thực sự là quá sức với học sinh tiểu học chứ chưa nói đến đứa trẻ vừa “tốt nghiệp” trường mầm non.

Buổi tối, ăn xong bát cơm, con lại ngồi miệt mài viết. Thế nhưng, đứa trẻ 6 tuổi không thể ngồi tập trung trong thời gian dài, vậy nên viết được một lúc con lại nghỉ cho đỡ mỏi tay. 11 giờ đêm, còn 1 trang nữa chưa viết xong, con vẫn kiên quyết phải hoàn thành rồi mới đi ngủ. Con sợ sáng 1/9 đi học mà chưa viết xong cô giáo sẽ mắng.

Đến 12 giờ đêm, con hoàn thành bài tập về nhà khi bàn tay bé xíu đã mỏi nhừ, mắt con đờ đẫn vì mệt mỏi, uể oải. Nhìn con khi đó, chị Thùy Dương thương con đến trào nước mắt. Chị cảm thấy bất lực vì không thể dạy con chống lại lệnh của giáo viên dù chị biết, ép một đứa trẻ làm việc quá sức, không phù hợp với tâm lý lứa tuổi là phản giáo dục.

Điều chị Dương và nhiều phụ huynh khác mong chờ khi con vào lớp 1 là con sẽ có thật nhiều niềm vui, hào hứng được khám phá môi trường mới, bạn bè mới chứ không phải luôn nơm nớp lo sợ sự trừng phạt của cô giáo, luôn hoảng hốt và phải gồng mình để hoàn thành gánh nặng bài vở mỗi ngày.

Việc dồn ép học, giao nhiều bài tập sẽ dễ gây tác dụng ngược với trẻ. Ảnh minh họa internet.

Theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội), sự tập trung chú ý của trẻ lớp 1 còn yếu và thiếu bền vững. Thời gian chú ý có chủ định chỉ kéo dài tối đa từ 25 đến 30 phút. Thế nên, ở nhà, bố mẹ không nên bắt con ngồi tập viết, học đọc trong thời gian quá dài (hàng tiếng) mà nên cho con nghỉ giải lao, hoặc thay đổi hành động sau 25-30 phút. Nếu vì lo lắng, bố mẹ bắt con thực hiện một hành động học tập quá thời gian trên thì hành động học tập của con trong thời gian sau không những không có hiệu quả mà còn gây mệt mỏi cho trẻ.

Học sinh lớp 1 bắt đầu tiếp xúc với môi trường học tập chính quy, vì thế, cần phải để các em có thời gian thích ứng. Việc dồn ép học, giao nhiều bài tập sẽ dễ gây tác dụng ngược, trẻ sẽ mất hứng thú với việc học tập, sẽ sợ đến trường, đến lớp - không lẽ điều đơn giản như vậy mà các giáo viên tiểu học lại không nắm được?

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn