Trung Quốc bắt đầu xét nghiệm nhiễm virus nCoV qua đường “hậu môn”, các chuyên gia nói gì?

07:28 | 29/01/2021;
Sáng 28.01, Trung Quốc bắt đầu cho áp dụng phương pháp kiểm tra SARS-CoV-2 bằng cách lấy mẫu qua đường hậu môn. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng, xét nghiệm này chỉ mang tính chất tương đối.

Chia sẻ về việc Trung Quốc triển khai xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của virus nCoV (SARS-CoV-2) bằng cách lấy mẫu qua đường “hậu môn” (anal swab), Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA đã bày tỏ quan điểm của mình cũng như những chuyên gia khác về vấn đề này.

1. Xét nghiệm lấy mẫu kiểm tra nCoV qua đường hậu môn thực hiện như thế nào?

Để lấy mẫu thử nghiệm, que tăm bông (swab) được đưa vào trực tràng (qua đường hậu môn) khoảng 3 đến 5cm và xoay nhiều lần. Sau đó tăm bông được lấy ra và đặt trong hộp đựng mẫu. Toàn bộ quy trình được cho là mất khoảng 10 giây.

Một video được lan truyền rộng rãi trên mạng ở Trung Quốc cho thấy, một bác sĩ đang trình diễn trực quan về quy trình.

2. Chuyên gia nói gì?

Trên các báo đăng tin này cho biết, đây là một phương pháp mà các chuyên gia cho rằng chính xác hơn và tăng cơ hội phát hiện virus! Họ dựa trên một số trường hợp người bệnh COVID-19 sau khi hồi phục một thời gian thì vẫn phát hiện thấy virus trong phân (mặc dù cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy virus trong phân là nguồn lây nhiễm). 

Tuy nhiên, nhiều nghiêu cứu khoa học cho thấy rằng chỉ khoảng 50% người nhiễm virus nCoV thì có virus được phát hiện trong phân.

Ngoài ra, dựa trên các tài liệu khoa học đăng trên các báo chuyên ngành thì lấy mẫu thử qua đường hậu môn là một phương pháp kém hiệu quả, kém nhạy so với các phương pháp hiện nay, chủ yếu lấy mẫu từ vùng họng, nơi trọng tâm mà virus nhiễm, sinh sôi và phát triển. 

Một bài báo khoa học mà TS Nguyễn Hồng Vũ đưa trên đây là một phân tích tổng hợp dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học khác, nhằm đánh giá về độ chính xác của các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 (Systematic review with meta-analysis of the accuracy of diagnostic tests for COVID-19).

Trong đó, chúng ta có thể thấy rằng dựa trên phương pháp nền tảng là tìm vật liệu di truyền RNA của virus (phương pháp RT-PCR) thì phương pháp lấy mẫu qua đường mũi hoặc cổ họng (nasopharyngeal, throat swab) và nước miếng (saliva) cho kết quả đáng tin hơn rất nhiều thể hiện qua 2 chỉ số đo về “mức độ tin cậy” (Confidence Interval, CI) và “tính nhất quán” (Inconsistency, I2) so với phương pháp lấy mẫu từ hậu môn (stool, feces, rectal swabs)…

Với độ tin cậy thấp của phương pháp lấy mẫu qua đường “hậu môn” để chẩn đoán nhiễm virus nCoV, TS Vũ nghĩ rằng phương pháp này không nên được thực hiện để kiểm dịch một cách đại trà, nhất là thực hiện một cách độc lập, vì có thể sẽ tạo ra nhiều kết quả “âm tính giả”. Đây chắc cũng là lý do mà hầu hết các nước trên thế giới hiện nay vẫn sử dụng phương pháp chính là lấy mẫu qua đường mũi hoặc họng.

"Hy vọng là nếu bạn Trung Quốc nào nhập cảnh ở Việt Nam mà trình giấy chứng nhận âm tính với virus nCoV bằng phương pháp kiểm tra qua “hậu môn” thì nhà nước nên yêu cầu kiểm tra lại thêm lần nữa qua đường mũi cho chắc ăn". (Nguồn tin: Trang cá nhân của TS Nguyễn Hồng Vũ https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4210036522344020)

3. Quy trình kiểm tra xét nghiệm lấy mẫu qua đường mũi họng của Cục Y tế dự phòng

1. Dịch ngoáy họng

- Yêu cầu bệnh nhân há miệng to 

- Dùng dụng cụ đè nhẹ nhàng lưỡi bệnh nhân

- Đưa tăm bông vào vùng hầu họng, miết và xoay tròn nhẹ 3 đến 4 lần tại khu vực 2 bên vùng hạch a-mi-đan và thành sau họng để lấy được dịch và tế bào vùng họng. 

- Sau khi lấy bệnh phẩm, que tăm bông được chuyển vào tuýp chứa 3ml môi trường vận chuyển (VTM hoặc UTM) để bảo quản. 

Trung Quốc bắt đầu xét nghiệm nhiễm virus nCoV qua đường “hậu môn”, các chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Lưu ý, đầu tăm bông phải nằm ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển, và nếu que tăm bông dài hơn tuýp đựng môi trường vận chuyển cần bẻ/cắt cán tăm bông cho phù hợp với độ dài của tuýp chứa môi trường vận chuyển.

2. Dịch tỵ hầu

- Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.

- Người lấy bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70o , tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.

- Tay kia đưa nhẹ nhàng tăm bông vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp tăm bông đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.

Lưu ý: nếu chưa đạt được độ sâu như vậy mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút tăm bông ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy tăm bông chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút tăm bông ra.

Trung Quốc bắt đầu xét nghiệm nhiễm virus nCoV qua đường “hậu môn”, các chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

- Giữ tăm bông tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa.

- Từ từ xoay và rút tăm bông ra.

- Đặt đầu tăm bông vào tuýp đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán tăm bông tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài của tuýp chứa môi trường vận chuyển. Que tăm bông sau khi lấy dịch ngoáy mũi sẽ được để chung vào tuýp môi trường chứa que tăm bông lấy dịch ngoáy họng.

- Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).

- Bảo quản mẫu trong điều kiện nhiệt độ 2-8 oC trước khi chuyển về phòng xét nghiệm. Nếu bệnh phẩm không được vận chuyển đến phòng xét nghiệm trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu, các mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong âm 70°C (-70°C) và sau đó phải được giữ đông trong quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm. 

Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ quay về phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ đỡ đầu trẻ ngả ra phía sau.

Tài liệu tham khảo:

1. Ng SC, Tilg H. COVID-19 and the gastrointestinal tract: more than meets the eye. Gut. 2020 Jun;69(6):973-974. doi: 10.1136/gutjnl-2020-321195. Epub 2020 Apr 9. PMID: 32273292; PMCID: PMC7211058. (https://gut.bmj.com/content/69/6/973.long)

2. Böger B, Fachi MM, Vilhena RO, Cobre AF, Tonin FS, Pontarolo R. Systematic review with meta-analysis of the accuracy of diagnostic tests for COVID-19. Am J Infect Control. 2021 Jan;49(1):21-29. doi: 10.1016/j.ajic.2020.07.011. Epub 2020 Jul 10. PMID: 32659413; PMCID: PMC7350782. (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32659413/)

3. MAILONLINE REPORTER PUBLISHED: And you thought nose swabs were bad! China begins using anal swabs to test for Covid in Beijing because 'they are much more accurate' (https://www.dailymail.co.uk/news/article-9192251/And-thought-nose-swabs-bad-China-begins-using-anal-swabs-test-Covid-Beijing.html?fbclid=IwAR1sPtTN4rKCAzT33kRvtDimXAiPHDjsufkfCQeFXxn5Xi7LYJsCjwJF6fo) 


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn