Từ A- Z về bệnh phù phổi

16:00 | 04/03/2020;
Phù phổi là các phế nang trong phổi chứa đầy chất lỏng bị rò rỉ ra khỏi máu. Nó được gây ra do một số tình trạng tim hoặc không do tim. Khó thở là biểu hiện chính của phù phổi. Điều trị bệnh phù phổi thường nhắm vào điều trị nguyên nhân cơ bản.

1. Bệnh phù phổi là gì?

Phế nang là các túi khí rất nhỏ nằm ở ngay bên ngoài các mạch máu nhỏ trong phổi. Đây là nơi oxy từ không khí được máu đi qua lấy đi, và carbon dioxide trong máu được truyền vào phế nang để được thở ra. Phế nang thường có một bức tường mỏng cho phép trao đổi không khí và giữ chất lỏng ở ngoài phế nang, trừ khi những bức tường này mất tính toàn vẹn.

Phù phổi là tình trạng phế nang chứa đầy chất lỏng thay vì không khí, dẫn đến trao đổi khí bị suy yếu và có thể gây suy hô hấp. Điều này thường xảy ra khi chất lỏng từ bên trong các mạch máu thấm ra ngoài, đi vào các mô xung quanh, gây sưng phù. Nguyên nhân có thể là do có do quá nhiều áp lực trong mạch máu hoặc không có đủ protein trong máu để giữ chất lỏng trong huyết tương (phần máu không chứa bất kỳ tế bào máu nào).

2. Triệu chứng

Triệu chứng phổ biến và đặc trưng nhất của phù phổi là khó thở. Bệnh nhân có thể bị khởi phát sự khó thở dần dần nếu quá trình phù phổi phát triển chậm, hoặc có thể khởi phát đột ngột trong trường hợp phù phổi cấp.

Phù phổi cấp tính là khi bệnh khởi phát đột ngột, nó thường có các triệu chứng như:

- Khó thở đột ngột, thở khò khè hoặc hổn hển.

- Khó thở khi ra nhiều mồ hôi.

Từ A- Z về bệnh phù phổi - Ảnh 2.

Khó thở khi ra nhiều mồ hôi (Ảnh: Internet)

- Ho ra máu, ho ra đờm hồng.

- Da tái xanh hoặc xám.

- Chóng mặt, kiệt sức, ra mồ hôi, huyết áp giảm.

Phù phổi mãn tính là bệnh kéo dài theo thời gian, thường có các triệu chứng như:

- Thở khò khè.

- Khó thở khi nằm, thở tốt hơn khi ngồi dậy, thường bị tỉnh giấc vào ban đêm do khó thở.

- Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức.

- Tăng cân nhanh chóng do tích dịch và chất lỏng trong cơ thể.

- Có nhiều vấn đề về hô hấp hơn bình thường khi hoạt động thể chất.

- Chân và bàn chân bị sưng phù.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh phù phổi là gì?

3.1. Nguyên nhân do tim

Nếu phù phổi liên quan đến một vấn đề về tim thì được gọi là phù phổi do tim. Nguyên nhân phổ biến nhất là suy tim xung huyết. Suy tim xảy ra khi tim không còn bơm máu đúng cách cho toàn cơ thể. Điều này tạo ra áp lực trong các mạch máu nhỏ của phổi, khiến các mạch máu bị rò rỉ chất lỏng vào phế nang.

Động mạch hẹp, tổn thương cơ tim, các vấn đề về van tim và huyết áp cao là một trong những điều kiện có thể làm suy tim.

3.2 .Nguyên nhân không do tim

Phù phổi không do tim ít gặp hơn phù phổi do tim. Nó thường xảy ra do tổn thương mô phổi, sau đó gây viêm mô phổi. Điều này làm cho các mô tuyến cấu trúc của phổi sưng lên và rò rỉ chất lỏng vào phế nang và mô phổi xung quanh.

- Suy thận: Thận bị suy yếu chức năng, không loại bỏ được chất lỏng dư thừa và các chất thải ra khỏi cơ thể, do đó chất lỏng dư thừa tích tụ trong phổi.

- Hít phải độc tố: Khi hít phải các khí độc như amoniac, clo, khí gas, khói thuốc,... thì có thể gây tổn thương trực tiếp đến mô phổi.

- Phù phổi độ cao (HAPE): Xảy ra khi cơ thể di chuyển nhanh đến độ cao trên 3.000m khiến cơ thể không kịp thích nghi.

- Tác dụng phụ của thuốc: Phù phổi được tìm thấy ở những người lạm dụng cocaine và heroin. Quá liều methadone cũng có thể dẫn đến phù phổi. Quá liều Aspirin hoặc sử dụng aspirin liều cao mãn tính có thể dẫn đến nhiễm độc aspirin, đặc biệt ở người cao tuổi, có thể gây phù phổi.

- Hội chứng suy hô hấp ở người trưởng thành (ARDS): Phù phổi được coi là biến chứng của ARDS, khi cơ thể cố gắng đối phó với suy hô hấp bằng cách tăng phản ứng chống viêm, khiến các tế bào bạc cầu tấn công phổi, làm cho chất lỏng lấp đầy không gian của phổi.

- Viêm phổi: Nhiễm trùng phổi do vi khuẩn hoặc virus khá phổ biến. Tuy nhiên, đôi khi nó trở nên phức tạp khi xuất hiện biến chứng, chất lỏng tăng tích tụ trong phần phổi bị nhiễm trùng.

- Phù phổi thần kinh: Chấn thương não, xuất huyết nội sọ, phẫu thuật não, co giật nghiêm trọng,... gây ứ đọng dịch lỏng trong phổi.

- Phù phổi do phổi mở rộng đột ngột: Thường liên quan đến đuối nước, sặc nước, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi,...

- Biến chứng từ các bệnh phổi khác: Như thuyên tắc phổi, chấn thương phổi cấp tính liên quan đến truyền máu, một số bệnh nhiễm trùng do virus hoặc sản giật ở phụ nữ mang thai...

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh phù phổi là gì?

4.1. Khám tổng quát

Bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng quát, tìm các dấu hiệu nghi ngờ để chẩn đoán lâm sàng:

- Sử dụng tai nghe để đánh giá nhịp tim, nghe xem bệnh nhân có thở nhanh hoặc có âm thanh trong phổi hay không.

- Tìm dịch có tích tụ ở cổ họng hay không?

Từ A- Z về bệnh phù phổi - Ảnh 3.

Kiểm tra vùng họng xem có dịch tích tụ không (Ảnh: Internet)

- Kiểm tra các dấu hiệu bên ngoài như chân và bụng sưng, da xanh xao,...

Khi có nghi ngờ bệnh nhân bị phù phổi thì bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số phương pháp xét nghiệm để kết quả chẩn đoán chính xác hơn.

4.2. Chụp X-quang ngực

Khi nhìn vào một tấm ảnh X-quang ngực của người khỏe mạnh, chúng ta có thể thấy 1 vùng trắng ở trung tâm ngực liên quan đến tim, mạch máu, cộng với xương cột sống. Phổi sẽ hiển thị tối hơn ở 2 bên, được bao nọc với cấu trúc xương thành ngực.

Tuy nhiên, ở bệnh nhân bị phù phổi, phổi không hiển thị là trường tối nữa, mà xuất hiện nhiều màu trắng hơn ở trên phổi. Ở các trường hợp nghiêm trọng, ảnh chụp phổi bị mờ trắng đáng kể. Những vị trí mờ trắng này thể hiện các phế nang đã bị dịch lỏng lấp đầy.

4.3. Siêu âm phổi

Siêu âm phổi không chỉ là phương pháp chẩn đoán phù phổi chính xác, mà nó còn giúp định lượng được lượng chất lỏng trong phổi, theo dõi sự thay đổi theo thời gian và phân biệt giữa phù do tim và không do tim.

Đặc biệt trong trường hợp phù phổi cấp do tim, siêu âm tim khẩn cấp có thể củng cố chẩn đoán bằng cách chứng minh chức năng tim thất trái bị suy yếu, áp lực tĩnh mạch trung tâm cao và áp lực động mạch phổi cao.

Chụp X-quang và siêu âm ngực có thể cho biết tình trạng phổi bị phù hay không, nhưng nó thường không thể hiện được nguyên nhân gây phù phổi. Để chẩn đoán nguyên nhân gây phù phổi, bác sĩ cần sử dụng các xét nghiệm khác, như xét nghiệm máu đo peptide natriuretic loại B (BNP), đặt ống thông động mạch phổi để chẩn đoán phân biệt phù phổi do tim hay không do tim, điện tâm đồ để tìm kiếm các vấn đề về tim...

5. Phương pháp điều trị

Việc điều trị phù phổi phần lớn phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của nó. Các phương pháp điều trị phù phổi thường có mục đích là điều trị nguyên nhân và triệu chứng. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây phù phổi và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

- Cho bệnh nhân thở mặt nạ oxy, ống thông mũi hoặc máy thở cơ học trong trường hợp cấp cứu, bệnh nhân bị khó thở nghiêm trọng, nồng độ oxy đo được trong máu quá thấp.

Từ A- Z về bệnh phù phổi - Ảnh 4.

Thở bằng mặt nạ oxy trong trường hợp cấp cứu (Ảnh: Internet)

- Sử dụng thuốc lợi tiểu để giúp loại bỏ chất lỏng, giảm áp lực từ chất lỏng đi vào tim và phổi của bệnh nhân. Nếu thuốc lợi tiểu không cho tác dụng cao thì bác sĩ có thể dùng những dụng cụ y tế chuyên dụng để loại bỏ dịch trong phổi.

- Những bệnh nhân bị phù phổi do tim thường được kê thuốc làm giãn mạch máu, giúp giảm áp lực lên tim. Thuốc trợ tim để kiểm soát mạch, giảm huyết áp cao và giảm áp lực trong động mạch và tĩnh mạch.

6. Biến chứng của bệnh phù phổi là gì?

Nếu phù phổi kéo dài sẽ gây tăng áp động mạch phổi, cuối cùng dẫn đến suy tâm thất phải. Vì thành của tâm thất phải mỏng hơn rất nhiều so với tâm thất trái, nên khi tâm thất phải bị suy yếu nó có thể gây ra hàng loạt vấn đề ở các bộ phận khác như: phù chân, bụng trướng, gan to, sung huyết, tràn dịch màng phổi.

Sự chậm trễ trong điều trị phù phổi có thể gây tử vong.

7. Phòng tránh

7.1. Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Vì bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh phù phổi, nên cách phòng tránh phù phổi tốt nhất là phòng bệnh tim, giữ cho tim luôn khỏe mạnh.

- Tập luyện hàng ngày, duy trì cân nặng khỏe mạnh.

- Ăn uống lành mạnh, kiểm soát hàm lượng cholesterol có trong máu.

- Không hút thuốc lá.

- Hạn chế căng thẳng, stress bởi áp lực tâm lý cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch.

7.2. Tránh tổn thương phổi

- Khi đu du lịch, leo núi, trượt tuyết,... thì cần lên độ cao từ từ cho cơ thể dần thích nghi.

- Tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng viêm phổi.

- Tránh hít phải khói bụi, thuốc lá. Nếu làm việc trong môi trường có khí độc hại thì cần trang bị bảo hộ kỹ càng.

- Phòng chống đuối nước.

- Điều trị các bệnh lý liên quan triệt để, không lạm dụng thuốc để tránh biến chứng phù phổi.

8. Bệnh nhân bị phù phổi nên ăn gì?

- Hạn chế chất lỏng vì quá nhiều chất lỏng có thể làm tăng nguy cơ tích tụ dịch ở phổi. Hãy hỏi bác sĩ lượng nước bạn nên uống mỗi ngày.

- Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu, thịt nạc và cá,... để cung cấp năng lượng cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng, giảm các triệu chứng.

- Tăng cường các loại thực phẩm lợi tiểu như râu ngô, rau cải xanh, cam quýt, các loại hoa quả có vị chua. Có một số loại rau củ có tác dụng phát tán phong nhiệt, làm ra mồ hôi như lá kinh giới, húng quế, bạc hà, xương sông, cần tây, hành hoa... cũng cần được ưu tiên.

- Với bệnh phù phổi không do tim, người bệnh có thể ăn các loại thực phẩm kháng viêm, giúp tổn thương phổi nhanh hồi phục như tỏi, hương thảo, trà xanh, dầu oliu,.... Với bệnh phù phổi do tim, khuyến khích ăn thực phẩm tốt cho tim như cá hồi, bạch quả, bơ, rau chân vịt,....

Bệnh nhân phù phổi không nên ăn mặn, ăn thức ăn nhiều đường, rượu bia, đồ uống có ga gây suy yếu tim, tăng huyết áp khiến tình trạng rò rỉ chất lỏng vào phổi thêm tồi tệ. Ngoài ra ăn mặn và uống rượu cũng khiến cơ thể tích nước, làm trầm trọng thêm các triệu chứng phù phổi.

9. Các câu hỏi thường gặp

9.1. Bệnh phù phổi có chữa được không?

May mắn là phù phổi có thể được chữa lành. Tuy nhiên nó lại là tình trạng nghiêm trọng, cần được điều trị nhanh chóng, nếu chậm trễ có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

9.2. Tiên lượng cho bệnh phù phổi là gì?

Tiên lượng cho bệnh phù phổi thường phụ thuộc vào phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và thời gian điều trị. Nếu tình trạng vừa phải và được điều trị nhanh chóng, bạn sẽ có thể phục hồi hoàn toàn. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong nếu bạn trì hoãn điều trị.

9.3. Bệnh phù phổi có lây không?

Phù phổi được gây ra do suy tim hoặc tổn thương phổi biến chứng, nên không lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu phù phổi là do nhiễm trùng phổi biến chứng thì mọi người cũng cần phòng tránh lây nhiễm virus, vi khuẩn để giảm nguy cơ bị bệnh phổi.

9.4. Phù phổi có di truyền không?

Đa số các trường hợp phù phổi là không duy truyền. Tuy nhiên để đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân gây bệnh phù phổi là gì? Nếu như bạn bị phù phổi do bệnh tim di truyền thì có nguy cơ rất cao bệnh sẽ di truyền cho đời sau.

10. Một số hình ảnh về bệnh phù phổi

benh phu phoi 1

Hình ảnh X-quang của phù phổi một bên. (Ảnh: Internet)

benh phu phoi 2

So sánh phế nang khỏe mạnh và phế nang tích tụ chất lỏng. (Ảnh: Internet)

benh phu phoi 3

Ảnh chụp X-quang so sánh phù phổi cấp do tim và không do tim. (Ảnh: Internet)

Nguồn tham khảo: https://www.medicinenet.com/pulmonary_edema/article.htm

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn