Theo chia sẻ của chị Bùi Thị Lan (quê Nghệ An), hiện nay, cô con gái lớn của chị đã lập gia đình, cậu út đang học đại học năm cuối trong TPHCM. Hai vợ chồng chị vẫn đi làm nhưng chật vật lắm, chị mới có thể lo cho gia đình.
Chị kể: "Hai vợ chồng tôi đều là viên chức, thu nhập không cao nhưng ổn định. Tôi luôn chi tiêu tiết kiệm, khoa học nên ngoài lo cho các con, mỗi năm tôi còn tiết kiệm được một khoản nhỏ. Đùng cái chồng tôi bị tai biến, phải điều trị một thời gian dài mới bình phục.
Thời gian anh ấy trị liệu, không được chi trả bảo hiểm nên chúng tôi tốn kém khá nhiều, phải tiêu lạm phần lớn tiền tiết kiệm. Đầu năm nay, chồng tôi đã đi làm trở lại nhưng phải chuyển việc nhẹ nhàng, tiền lương giảm gần một nửa.
Vừa rồi bố chồng lại mất, mẹ chồng ốm nằm viện, tôi cứ xoay như chong chóng. Tính ra, chỉ trong vòng 2 năm, có quá nhiều việc xảy ra khiến tôi rơi vào khủng hoảng, hay cáu gắt, suy nghĩ tiêu cực.
Thậm chí, nhiều lúc không giữ được bình tĩnh, vợ chồng điều nọ tiếng kia với nhau. Tôi thực sự đang cảm thấy bế tắc, không biết làm gì để gồng gánh và cải thiện kinh tế gia đình", chị Lan chia sẻ.
Thực tế, việc các cặp vợ chồng rơi vào khủng hoảng kinh tế ở tuổi trung niên không phải là hiếm. Cũng cùng mối lo "đau đầu vì tiền", chị Nguyễn Bích Hường (49 tuổi, ở Thành phố Hà Nội) cho biết, trước đây do sức khỏe yếu nên chị xin nghỉ công tác, hưởng chế độ một lần.
Công việc của chồng chị có thu nhập tốt, thêm khoản buôn bán nhỏ của chị nên cả nhà sống khá ổn. Thế nhưng, tháng 6 năm ngoái, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Trước đó, có bao nhiêu tiền tiết kiệm, mẹ con chị đã chi dùng hết để chữa bệnh cho anh.
Hiện nay, mẹ con chị Hường vẫn đang phải "cõng" khoản nợ 70 triệu đồng lo hậu sự, mua đất xây phần mộ cho chồng.
"Thu nhập của tôi giờ chỉ trông vào quán nước đầu ngõ. Hai đứa con tuy đã đi làm nhưng công việc phổ thông, lương cũng chỉ đủ trang trải chi tiêu hàng ngày, chưa có tích lũy. Thực sự, chạm tuổi 50 rồi mà tôi vẫn luôn phải tằn tiệm từng đồng mỗi ngày", chị Hường cho biết.
Bình thường, chúng ta luôn nghĩ, khi phụ nữ bước vào độ tuổi trên dưới 50 sẽ có nhiều ưu thế: con cái khôn lớn, kinh tế ổn định, công việc bền vững nên chẳng có gì phải quá lo lắng trong cuộc sống.
Thế nhưng, thực tế, nhiều người ở tuổi trung niên lại đang phải đối diện với áp lực: lo cho tương lai con cái (công việc, dựng vợ gả chồng), lo phụng dưỡng cha mẹ già yếu, đảm bảo đối nội, đối ngoại cùng hàng trăm việc lớn nhỏ khác của gia đình, dòng họ...
Bởi vậy, nếu trước đó, vợ chồng không chủ động để có nguồn tích lũy cho những "kịch bản" này, ắt sẽ dẫn đến áp lực về kinh tế. Và điều rất lo ngại, ở độ tuổi trung niên, sức khỏe có chiều hướng đi xuống nên chúng ta sẽ vất vả hơn rất nhiều khi đương đầu với khó khăn.
Đó cũng là lý do vì sao mà phụ nữ trung niên dễ chán chường, sống khép mình, suy nghĩ tiêu cực khi đối diện với thử thách.
Làm thế nào để phụ nữ trung niên giảm tải lo toan, ít áp lực về tiền bạc luôn là trăn trở của nhiều người. Với bản thân chị Hường, sau những biến cố vừa trải qua, chị cho rằng: Tích lũy cả đời có khi chỉ tiêu một tháng, một năm.
Để không bị rơi vào cảnh "bần cùng tiền bạc" ở tuổi trung niên thì trước đó, từ khi U40, chúng ta nhất định phải có chiến lược tích lũy tài chính dự phòng cho sức khỏe, đầu tư cho con cái và ứng phó với những tình huống bất trắc trong cuộc sống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn