Tuyên Quang cần khơi thông điểm nghẽn để thúc đẩy thương mại kết hợp du lịch miền núi

09:58 | 18/11/2024;
Tuyên Quang xác định việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 4 sản phẩm đặc thù; đồng thời đây cũng là cơ hội để phát triển thương mại miền núi, mở rộng đầu ra cho sản phẩm đặc trưng vùng miền.

Tỉnh Tuyên Quang có 121 xã miền núi, vùng sâu vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nét văn hóa cũng như hàng hóa bản địa đa dạng, đặc sắc. Bà Phạm Thị Hồng - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), cho biết: Là tỉnh miền núi, giao thông về các huyện, xã vùng sâu vẫn còn không ít khó khăn, nên việc giao thương, luân chuyển hàng hóa của bà con còn nhiều trở ngại. Mặc dù các sản phẩm của bà con trong các Hợp tác xã, hộ gia đình đều là sản phẩm đặc trưng văn hóa bản địa, được thị trường đánh giá cao, nhưng hàng hóa vẫn chưa phổ biến, chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

Bà Hồng cho rằng, các Hợp tác xã rất mong muốn được hỗ trợ kết nối giao thương, thúc đẩy quảng bá sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc, khoa học công nghệ, kỹ thuật nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu. Chính vì thế, cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương và các nhà đầu tư để sản phẩm nông sản của Tuyên Quang đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang phối hợp với TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024.  Hoạt động này nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng, các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại, làng nghề của vùng miền núi tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 248 sản phẩm OCOP được gắn 3 sao trở lên, trong đó, có 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm: Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na Hang và bưởi Soi Hà. 

Nhờ sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, nên Tuyên Quang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp với những sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao. Không ít sản phẩm được xuất khẩu sang các nước châu Âu là những sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuyên Quang cần khơi thông điểm nghẽn để thúc đẩy thương mại kết hợp du lịch miền núi- Ảnh 1.

Kết hợp phát triển nghề truyền thống kết hợp với du lịch, thu hút được khách du lịch, cũng như thúc đẩy thương mại miền núi

Định hướng phát triển du lịch dựa trên tiềm năng lợi thế của địa phương, cũng là mở ra cơ hội để kết nối giao thương, tăng cường đầu ra cho các sản phẩm đặc sản của địa phương đến tay người tiêu dùng - trực tiếp ở đây là khách du lịch đến với Tuyên Quang. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Tuyên Quang xác định việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 4 sản phẩm đặc thù gồm: Du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh - lễ hội... Định hướng mũi nhọn này tạo sự kết nối, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại, làng nghề với các thị trường trọng điểm. Đồng thời đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm; đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư phát triển vùng miền núi này.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, thời gian tới, các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tăng cường hợp tác, khai thác, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thương mại, làng nghề. 

Để tận dụng thế mạnh của tỉnh Tuyên Quang, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho rằng, Tuyên Quang cần có quy hoạch tổng thể, đồng bộ và có các chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhằm tăng cường kết nối, quảng bá và đẩy mạnh giao thương với các địa phương khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn