Tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành giảm chậm

23:16 | 06/12/2024;
Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ 2 gây tử vong và bệnh tật. Thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại

Những thông tin trên được GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia - đưa ra tại hội nghị "Báo cáo kết quả hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025" do Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức vào ngày 6/12 tại Hà Nội.

Sau hơn 12 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%; tỷ lệ hiện hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

"Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta thời gian qua vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập như: Mặc dù, tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.

Trong khi đó, thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi, khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, nhất là giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, chúng ta vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, từ năm 2014 đến nay, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn lực cho các Bộ, ngành, tố chức chính trị- xã hội, địa phương và đơn vị để triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Sự đồng hành này đã tạo động lực thúc đẩy các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai toàn diện, từ trung ương đến cơ sở.

Riêng trong năm 2024, Quỹ đã hỗ trợ 93 cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động trọng điểm, bao gồm việc thực thi quy định về môi trường không khói thuốc, tăng cường truyền thông đa dạng nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, đặc biệt tại khu vực nông thôn nơi tỷ lệ hút thuốc vẫn còn cao.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Quốc hội đã thống nhất thông qua quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng các loại khí và chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, bắt đầu thực hiện từ năm 2025. Quốc hội cũng giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các quy định cụ thể; đồng thời yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt đối với thanh thiếu niên, về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, và các chất gây hại khác.

Tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành giảm chậm- Ảnh 1.

ThS Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá) báo cáo tại hội nghị - Ảnh: K.T

Báo cáo kết quả hoạt động công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024, ThS Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá) cho biết: Năm 2024, Quỹ đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 140 lớp tập huấn cho 5.869 cán bộ y tế thôn bản các nội dung về tác hại của thuốc lá và tư vấn cai nghiện thuốc lá; sản xuất và cấp phát 6.600 tài liệu hướng dẫn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế; 148 nghìn tờ rơi cai nghiện thuốc lá cho các cơ sở y tế và người dân trong cộng đồng. Tính đến Quý 3 năm 2024, đã có 15.164 lượt bệnh nhân thực hiện tư vấn ngắn; 2.103 lượt bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu, trong đó có 831 bệnh nhân có hồ sơ theo dõi quá trình cai nghiện thuốc lá.

Ngoài ra, Quỹ cũng đã tổ chức được 52 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại nhà hàng, khách sạn với 2.042 chủ cơ sở, nhân viên chủ chốt của cơ sở tham dự; 41 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại trường học với 1.797 giáo viên, nhân viên y tế học đường tham dự; 451 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại bệnh viện với 1.029 nhân viên y tế tham dự…

Tại các tỉnh, thành phố đã tổ chức 21 đợt kiểm tra tại 151 cơ sở về chuyên đề phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức 147 đợt giám sát xây dựng môi trường không khói thuốc tại 1.804 cơ sở, trong đó chỉ có 669 cơ sở đáp ứng đạt môi trường không khói thuốc (khoảng 37,1%).

Chia sẻ tại hội nghị, bà Dương Tú Anh (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá) cho hay, nhằm theo dõi, đánh giá tình trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới và CDC Hoa Kỳ đã triển khai điều tra tình trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên toàn cầu (GATS). Việt Nam đã thực hiện 2 vòng GATS (2010, 2015).

Nghiên cứu được tổng hợp số liệu từ 32 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Năm 2024 đã có 28 tỉnh, thành phố hoàn thành phân tích số liệu định lượng. Trong đó, Cần Thơ cao nhất với tỷ lệ 28,1% người trưởng thành sử dụng thuốc lá. Thấp nhất là tỉnh Nghệ An với 10,6 %, Hà Nội là 15,6%.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn