U mạch máu có gây nguy hiểm đến tính mạng không?

14:41 | 10/03/2020;
U mạch máu (hemangioma) là một dạng u do sự phát triển quá mức của các tế bào mạch máu. Bệnh có thể xuất hiện ngoài da hoặc các cơ quan trong cơ thể và thường lành tính.

1. U mạch máu là gì?

U mạch máu trong tiếng Anh là Hemangiomas. Bệnh tiến triển do sự phát triển bất thường của các tế bào mạch máu tại bề mặt da hoặc các cơ quan bên trong cơ thể. U mạch máu là bệnh bẩm sinh thường gặp, xuất hiện ở đầu, cổ hoặc thân mình.

U mạch máu thường có màu đỏ hoặc đỏ tía, bệnh có thể tự khỏi không cần điều trị. Bệnh có thể ảnh hưởng đến thị giác, thính giác hoặc gây nuốt khó. Khi xuất hiện các biến chứng cần can thiệp điều trị với corticosteroid hoặc các loại thuốc hỗ trợ khác.

Trong thời kì trẻ em bệnh thường ít khi xảy ra các biến chứng. Tuy nhiên, một vài trường hợp đặc biệt, khối u mạch máu có thể vỡ ra gây chảy máu hoặc lở loét. Tùy vị trí và kích thước của khối u mà có thể gây biến dạng các cơ quan lân cận. Đặc biệt cần quan tâm đến các khối u máu xuất hiện ở hệ thần kinh trung ương hoặc tủy sống.

2. Phân loại

2.1. Phân loại u mạch máu dựa vào vị trí khối u

Có nhiều loại u mạch máu khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của khối u:

2.1.1. U mạch máu tại gan

Các u mạch máu trong gan có thể nằm phía trên bề mặt hoặc bên trong nhu mô gan. Các u mạch máu này có thể là những u máu trong thời kì bào thai hoặc là những u mới phát triển. Những u mạch máu trong gan không liên quan tới thời gian bào thai thường có nguyên nhân do tăng nhạy cảm với estrogen.

Trong suốt thời gian mãn kinh, một vài phụ nữ được chỉ định sử dụng bổ sung estrogen để hạn chế tối đa các triệu chứng gây ra do thiếu hormone estrogen. Những loại estrogen được cung cấp thêm bên ngoài có thể thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các khối u mạch máu gan.

Ảnh 2.

Mô phỏng khối u máu trong gan (Ảnh: Internet)

Đôi khi, trong thời kỳ mang thai hoặc khi sử dụng các thuốc tránh thai làm tăng nồng độ estrogen trong máu và thúc đẩy sự gia tăng về kích thước của khối u mạch máu.

2.1.2. U mạch máu trên bề mặt da

Các u mạch máu xuất hiện do có bất thường về sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào biểu mô mạch máu trong một khoảng thời gian.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải vì sao các tế bào nội mạc mao mạch máu lại có thể tân sinh bất thường, tuy nhiên có một giả thuyết được khá nhiều người đồng ý là có một loại protein đặc biệt được tiết ra trong quá trình mang thai.

Những u mạch máu trên bề mặt da có thể nằm ở lớp sừng hoặc nằm ở phần lớp mỡ bên dưới, hay còn gọi là lớp dưới niêm. Đầu tiên, u mạch máu có thể là những bớt có màu đỏ trên da. Dần dần những bớt đó sẽ tiến triển lên bề mặt da và hiện rõ hình dáng và màu sắc hơn. Tuy nhiên, có một vài u mạch máu lại không xuất hiện ngay vào thời điểm vừa sinh ra, mà phát triển trong quá trình lớn lên của mỗi cá thể.

2.1.3. Một vài loại u mạch máu trong nội tạng

- U mạch máu trong đường tiêu hóa

- U mạch máu trong não

- U mạch máu tại hệ hô hấp.

2.2. Một vài loại u mạch máu

- U mạch máu thể mao mạch:

Đây là loại chiếm số lượng đông nhất trong các loại u mạch máu. Dạng u mạch máu này bao gồm các tế bào mao mạch bình thường về kích thước và đường kính, nhưng lại gia tăng về số lượng.

Những mao mạch này kết nối chặt chẽ với nhau thông qua các mô liên kết. Khi những u mao mạch này có mặt ở bề mặt da, thường có màu đỏ tươi. Các u mạch máu dạng mao mạch có sự thay đổi kích thước từ nhỏ đến to, có thể bằng phẳng hoặc nhô lên cao trên bề mặt da, hoặc chỉ là những nốt đỏ.

- U mạch máu dạng hang:

Ngược lại so với u mạch máu dạng mao mạch, u mạch máu dạng hang thường được hình thành do sự tăng sinh của các tế bào mao mạch và bị dãn ra. Các hang của u mạch máu này thường chứa rất nhiều máu.

Ảnh 3.

Mô phỏng u mạch máu thể hang (Ảnh: Internet)

Tương tự như u mạch máu tại mao mạch, u mạch máu dạng hang cũng có rất nhiều hình dạng và kích thước, vị trí mọc khác nhau trên toàn bề mặt cơ thể.

- U mạch máu dạng phối hợp: là sự phối hợp giữa u mạch máu dạng hang và u mạch máu thể mao mạch.

- U mạch máu dạng thùy của mao mạch (lobular capillary hemangioma): Thường có kích thước nhỏ, màu đỏ tươi xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay và cánh tay. Bởi vì dạng u mạch máu này có chứa rất nhiều mạch máu nhỏ, do đó chỉ một tác động nhỏ cũng có thể gây chảy máu. Thường dạng u mạch máu này hay xuất hiện ở phụ nữ mang thai, bệnh thường xảy ra ở miệng và mũi.

3. Triệu chứng bệnh u mạch máu

Tùy thuộc vào vị trí và kích thước, các u mạch máu thường không gây ảnh hưởng nhiều trong suốt quá trình hình thành và phát triển của khối u. Tuy nhiên đối với những u mạch máu quá to hoặc phát triển ở những vùng cơ thể nhạy cảm hoặc có cùng lúc nhiều u mạch máu, những trường hợp này có thể có triệu chứng xuất hiện.

U mạch máu thường xuất hiện trên da dưới dạng các mảng đỏ kích thước nhỏ. Một vài u mạch máu được ví như quả dâu tây do màu sắc và hình dáng của chúng.

Các u mạch máu trong nội tạng:

- U mạch máu trong nội tạng thường gây ra các triệu chứng đặc trưng cho vùng cơ quan bị ảnh hưởng. Ví dụ như, khi u máu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa hoặc gan có thể có các triệu chứng:

- Buồn nôn

- Nôn

- Khó chịu ở vùng bụng, cảm giác đầy hơi khó tiêu.

- Chán ăn

- Cảm thấy chướng bụng.

Phương pháp chẩn đoán với các u mạch máu:

- Thường chẩn đoán u máu chủ yếu bằng cách nhìn các tổn thương trên bề mặt da.

- Đối với những u mạch máu trong cơ quan nội tạng, cần sử dụng các phương pháp hình ảnh học như: siêu âm, MRI, CT scan.

4. Nguyên nhân gây bệnh

Những type khác nhau của u máu có những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, tuy nhiên nguyên nhân chính xác tại sao lại có sự phát triển của u máu đến nay vẫn chưa được biết rõ.

Ví dụ, trong trường hợp u mạch máu bẩm sinh, nguyên nhân là do có sự bất thường trong quá trình phát triển của hệ thống mạch máu. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân gây nên sự bất thường đó vẫn chưa được hiểu rõ.

U mạch máu cũng có thể xuất hiện sau chấn thương, tuy nhiên chấn thương có thật sự gây ra u máu vẫn chưa được chứng minh.

Trong quá trình mang thai cũng có thể có u mạch máu và tự biến mất sau đó.

Một vài trường hợp khác, u mạch máu lại là nguyên nhân của các bất thường về gen. Ví dụ như các u mạch máu dạng hang trong bệnh lý Hippel-Lindau.

Ảnh 4.

Các u mạch máu dạng hang trong bệnh lý Hippel-Lindau (Ảnh: Internet)

Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy có sự liên quan giữa hình thành u mạch máu và sự tiếp xúc với các hóa chất hay tia xạ. Thêm vào đó, một vài loại thức ăn, thuốc hoặc các hoạt động trong thai kỳ có thể gây u mạch máu ở trẻ sơ sinh.

5. Phương pháp điều trị u mạch máu

Các phương pháp điều trị có thể khác nhau ở những nhóm u mạch máu khác nhau.

5.1. Điều trị không phẫu thuật

Quan sát và theo dõi sự phát triển của khối u. Mặc dù có một vài loại u mạch máu không cần điều trị, tuy nhiên, vẫn cần đến gặp bác sĩ để theo dõi thường xuyên kiểm tra bất kì sự thay đổi nào của khối u.

5.1.1. Ức chế beta

Ức chế beta là nhóm thuốc có thể được sử dụng, tuy nhiên còn phụ thuộc vào loại và kích thước khối u mạch máu. Đối với một vài type, như u mạch máu trên bề mặt da hoặc u mạch máu bẩm sinh, ức chế beta có thể được sử dụng bằng đường uống với mục đích làm chậm sự phát triển của các tổn thương.

5.1.2. Thuốc kháng viêm

Đối với những khối u mạch máu xuất hiện ở những vị trí đặc biệt như mũi, môi, mí mắt, bác sĩ có thể sử dụng thuốc kháng viêm nhóm steroid. Steroid có thể giúp giảm nhanh sự phát triển của khối u. Hai con đường sử dụng thuốc thường quy là tiêm trực tiếp kháng viêm nhóm steroid vào đúng vị trí u mạch máu, hoặc sử dụng steroid bằng đường uống.

5.1.3. Băng ép

Băng ép gián đoạn được thực hiện với những vớ chân hoặc vớ tay để tạo áp lực lên khối u. Phương pháp băng ép này giúp hạn chế sưng nề liên quan đến khối u mạch máu. Tuy nhiên, phương pháp này không giúp các khối u mạch máu biến mất hoàn toàn.

5.1.4. Tắc mạch máu nuôi khối u mạch

Trong kỹ thuật này, nguồn máu cung cấp cho khối u sẽ bị cắt đứt. Đây là một kỹ thuật xâm lấn ít tổn thương nhất. Bác sĩ sẽ đưa 1 phần thuốc vào mạch máu và cắt đứt nguồn máu nuôi cho khối u mạch máu.

Phương pháp này được xem là khá có hiệu quả giúp mạch máu co nhỏ lại và hạn chế gây đau. Sau một thời gian, khi có máu nuôi dưỡng trở lại, khối u mạch này có thể sẽ tái phát. Tắc mạch máu nuôi có vai trò trong giải quyết tiền phẫu của những ca bệnh có nguy cơ chảy máu cao.

5.1.5. Liệu pháp laser

Ở một vài bệnh nhân, laser có hiệu quả trong giải quyết triệt để khối u mạch máu hoặc là một nhánh đệm cho các phương pháp điều trị sau này, giảm đau và hạn chế phát triển các triệu chứng không mong muốn. Tùy thuộc vào kích thước và hình dáng, vị trí của khối u mà nên lựa chọn laser đa tầng hay đơn tầng.

5.2. Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được lựa chọn đối với các u mạch máu thể hang, khi mà các tổn thương hủy hoại các mô lân cận. Trong một vài tình huống, u mạch máu có thể gây đau nhiều. Triệu chứng đau cũng là dấu hiệu cảnh báo có cần can thiệp phẫu thuật hay không.

Cắt bỏ: là một thủ thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Trong quá trình cắt bỏ khối u, các bác sĩ có thể sẽ gây mê giúp hạn chế đau cho người bệnh.

Phẫu thuật bảo tồn: trong trường hợp này các bác sỹ sẽ lấy đi khối u trong một vài tuần. Các bác sĩ sẽ sử dụng một loại băng ép đặc biệt bao phủ toàn bộ khối u máu, sau đó sẽ hướng dẫn người bệnh hạn chế một vài hoạt động giúp hồi phục tốt hơn.

Biến chứng: một trong những biến chứng thường gặp nhất là chảy máu. Các khối u máu có khả năng lành khá tốt, tuy nhiên cũng phụ thuộc khá nhiều vào vị trí và kích thước khối u máu.

6. Phòng tránh các khối u mạch máu

Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể giúp phòng tránh u mạch máu, vì hiện nay các nguyên nhân gây bệnh chưa được phát hiện chính xác.

7. Chế độ ăn dành cho người bị u mạch máu

Đối với hầu hết người bệnh bị u mạch máu, hiện nay chưa cần có chế độ ăn đặc biệt hay chế độ tập luyện chuyên biệt dành cho người bệnh.

Người bị khối u mạch máu kích thước lớn cần được hướng dẫn kĩ để hạn chế các chấn thương, đặc biệt là chấn thương ở vùng 1/4 trên bên phải của bụng.

8. Các câu hỏi thường gặp

8.1. U mạch máu có chữa được không?

Đối với những u mạch máu nhỏ, trên bề mặt da không cần điều trị, khối u có thể tự tiêu biến.

Những trường hợp như: khối u ở những vị trí đặc biệt ảnh hưởng tới chức năng nghe nhìn, hít thở, ăn uống hoặc khối u quá lớn gây cảm giác khó chịu, khi này vấn đề điều trị sẽ được đặt ra.

Điều trị có 2 loại: giúp khối u co nhỏ lại hoặc cắt bỏ hoàn toàn khối u.

8.2. U mạch máu có lây không?

Thường u mạch máu là do những biến đổi trong cơ thể từ khi mới sinh ra. Nguyên nhân gây bệnh chưa được phát hiện rõ ràng. Tuy nhiên hầu hết các u mạch máu không có khả năng lây lan.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/qa/what-are-hemangiomas

2. https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/hemangioma

3. https://www.healthline.com/health/hemangioma#treatment

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn