“Ung thư di căn nay đã khỏi hoàn toàn”

23:54 | 02/08/2015;
“Chúc mừng cô, hồ sơ rất “sạch”, cô là một trường hợp hiếm, khi khối u di căn nhưng đã khỏi hoàn toàn”…

Bác sĩ chuẩn đoán kết quả chụp phim của chị Ngọc Diễm

Cầm trên tay bộ hồ sơ gồm phiếu xét nghiệm máu và những phim chụp, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (40 tuổi) không giấu nổi xúc động khi nghe bác sĩ nói về bệnh của mình.

Giọt nước mắt trong đêm

2 lần trải qua phẫu thuật tim khiến cho chị Ngọc Diễm (Q.Tân Bình, TPHCM) từng nghĩ, đó chắc chắn là khoảng thời gian khó khăn nhất mà mình sẽ không bao giờ quên được, nhưng khối u ác tính ở vòm họng như đẩy chị xuống vực thẳm. Chị Diễm vốn sinh ra ở Trà Vinh nhưng do bị sốt xuất huyết nên chị được gửi lên ở với dì ruột tại TPHCM từ khi rất nhỏ. Do điều kiện gia đình khó khăn, chị chỉ học hết lớp 9 rồi theo nghề uốn tóc phụ giúp gia đình. Một vị khách nữ thấy dáng người Diễm cao và khuôn mặt xinh xắn nên đã giới thiệu chị làm người mẫu.

Đi diễn chưa được 1 năm thì chị được bác sĩ chẩn đoán bệnh hở van tim. “Bác sĩ nói cần phẫu thuật, sau đó, vết sẹo quá dài khiến mình phải bỏ nghề, được khoảng gần 2 năm thì mọi thứ “tạm ổn”, mình đi diễn lại, kết hôn và sinh con. Song, chứng tim đập mạnh lại diễn ra khiến mình phải phẫu thuật một lần nữa”, chị Diễm tâm sự.

Kể về căn bệnh ung thư vòm họng, giọng chị Diễm run run: “Khoảng 5 năm trước, mỗi sáng ngủ dậy, mình thấy mũi hơi đau và nghẹt nhưng chỉ nghĩ là bị xoang hoặc do nằm máy lạnh. 2 năm sau, sáng ngủ dậy thấy mũi nghẹt một bên, rất khó chịu, hít chất nhầy rồi khạc ra thấy có chất nhờn và máu, mình lại nghĩ có thể do thành mũi bị rách. Sau đó 1 năm, lỗ tai mình bị ù, cảm giác như có ve kêu, sau đó nổi hạch ở mang tai, một bên đầu bị nhức, khi đó mình mới chịu tới bệnh viện”.

Tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, sau khi được bác sĩ khám lâm sàng, chị Diễm được chỉ định chụp MRI và nghi ngờ K vòm họng. Ngay lập tức chị Diễm được chuyển sang Bệnh viện Tai mũi họng để kiểm tra. “Bác sĩ nội soi thấy có khối u, họ sinh thiết để xét nghiệm và hẹn 10 ngày sau sẽ có kết quả. Đó là những ngày mình như nằm trên đống lửa, đêm nào cũng ôm con khóc và cầu nguyện. Tới ngày hẹn đến nhận kết quả, nghe bác sĩ kết luận là u ác, mình nghĩ cuộc đời đã chấm hết, không còn hy vọng được nhìn thấy các con khôn lớn”, chị Diễm nhớ lại.

Tờ di chúc bỏ lửng

Mọi thứ ập đến quá nhanh khiến chị có cảm giác mình như đang trong cơn ác mộng. Chị được chuyển qua Bệnh viện Ung Bướu TPHCM để điều trị theo phác đồ. Giữa lúc đó, có người bạn giới thiệu một bệnh viện tại Singapore điều trị rất hiệu quả về ung thư vòm họng, chị Diễm lập tức đi Singapore để điều trị kết hợp giữa xạ trị và truyền hóa chất.

Chị kể: “Bác sĩ cảnh báo tia xạ trị rất mạnh, sẽ làm cuống họng khô và rát. Sau 2 tháng điều trị tại Singapore, không ai còn nhận ra mình do giảm cân mạnh, mặt sưng và tóc rụng. Điều duy nhất giúp mình có nghị lực khi đó là 2 đứa con. Bác sĩ cũng nói mình có khả năng khỏi hẳn nên chỉ chú tâm điều trị và cầu nguyện. Mỗt tuần 5 buổi xạ trị, thực hiện liên tiếp trong 7 tuần rồi truyền hóa chất, nhưng truyền được 4 lần thì cơ thể mình suy nhược và hồng cầu quá thấp nên không thể truyền tiếp, dù chỉ còn 2 lần nữa là hoàn thành phác đồ điều trị. Mình trở về Việt Nam và đều đặn mỗi tháng qua Singapore 1 lần để kiểm tra”.

Mang trong mình rất nhiều hy vọng khi nghe bác sĩ nói sau 1 năm, nếu kết quả chụp chiếu không có gì bất thường thì cơ hội khỏi bệnh sẽ là 95%, chị Diễm tận hưởng những tháng ngày tươi đẹp bên gia đình và làm tất cả những gì thấy có ích với cuộc đời. Tuy nhiên, khi thời hạn 1 năm đến, cầm trong tay kết quả khối u đã di căn sang phổi, một lần nữa chị lại rơi vào tuyệt vọng. “Mọi người nói những trường hợp khối u di căn thì chỉ sống được 6 tháng đến 1 năm, tôi nghĩ mình đã hết cơ hội rồi nên quyết định viết di chúc cho con. Nhìn các con say trong giấc ngủ, nước mắt tôi cứ tuôn dài. Rồi tôi lại tìm cách cứu vãn căn bệnh của mình, tờ di chúc vẫn bỏ lửng…”.

Chị Diễm lại nhận được sự mách bảo của người bạn về một bệnh viện tại Singapore điều trị ung thư rất hiệu quả. Với tâm lý “không còn gì để mất”, chị tiếp tục “khăn gói” đi chữa bệnh. Hoàn thành điều trị và và trở về Việt Nam, đã 5 năm trôi qua, chị Diễm vẫn giữ thói quen đến bệnh viện kiểm tra đều đặn và gửi kết quả cho bác sĩ. Kết quả “sạch tế bào ung thư” là bất ngờ đối với không chỉ riêng chị mà với cả ê kíp điều trị và theo dõi cho chị.

Chị Ngọc Diễm đã viết nên điều kỳ diệu cho cuộc đời mình

“Bác sĩ bảo trường hợp như tôi rất hiếm và rất đặc biệt, tôi nghĩ chính nghị lực của mình đã làm nên điều lỳ diệu này. Tôi đang dự định mở một quỹ từ thiện để hỗ trợ các bệnh nhân ung thư, như một sự trả ơn đối với cuộc đời”, chị Diễm trải lòng.


Bác sĩ Lim Hong Liang (chuyên gia tư vấn ung thư cấp cao tại Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore-ảnh)

Ung thư vòm họng (UTVH) xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển từ các mô trong mũi hầu, khu vực phía sau khoang mũi và trên mặt sau của cổ họng. Hiện chưa có nguyên nhân chính xác dẫn tới UTVH. Nhiễm virus Epstein Barr được xem là quan trọng trong sự phát triển của UTVH. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh bao gồm những trường hợp người bệnh ăn quá nhiều  muối khi còn nhỏ, ăn quá nhiều thực phẩm bảo quản hoặc lên men, hút thuốc lá, yếu tố xu hướng gia đình…

Triệu chứng của UTVH bao gồm: Chảy máu mũi hoặc tắc nghẽn mũi; đờm có máu; các triệu chứng tai bị chẹn, tiếng ồn vang vọng, khiếm thính; đau đầu; cổ sưng lên từ các hạch bạch huyết phình to…

Đối với bệnh nhân UTVH không di căn, việc điều trị chủ yếu là xạ trị, sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, nó chỉ ảnh hưởng đến các tế bào trong khu vực được điều trị. Đối với các bệnh nhân ở giai đoạn ung thư muộn (sự xâm lấn đáy hộp sọ hoặc sự hiện diện của thiếu hụt dây thần kinh sọ) hoặc giai đoạn hạch muộn (các hạch lớn, hạch cổ 2 bên hoặc các hạch lan rộng đến đáy cổ), hóa trị được sử dụng cùng với bức xạ để cải thiện kết quả điều trị.

Vai trò của phẫu thuật trong UTVH bị giới hạn, phẫu thuật có thể được xem xét ở những bệnh nhân có khối u tái phát trong không gian mũi sau mà không có bất kỳ vị trí khác của bệnh. Phẫu thuật mổ cổ cũng có thể được xem xét ở những bệnh nhân với các hạch cổ dai dẳng sau bức xạ, hoặc ở những bệnh nhân với sự tái phát hạch cổ và là chỗ duy nhất bị nhiễm bệnh.





Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn