Vì điều ước của con, tôi sẽ nghĩ lại

06:17 | 01/06/2018;
Sinh nhật con gái 13 tuổi, tôi hỏi con: “Bây giờ, nếu được tặng một điều ước, con sẽ ước điều gì?”. Con gái tôi đáp: “Con rất yêu mẹ. Nhưng, con ước mình không phải là con của mẹ!”.
Câu nói của con khiến tôi choáng váng.
 
Con... con... Con thật bất hiếu - tôi run lên, cố kìm cơn giận dữ chực bùng lên.
 
Ấy vậy mà con gái tôi tỏ ra ngạc nhiên:
 
- Sao vậy mẹ. Con đâu làm gì sai?
 
- Vậy, tại sao con lại không muốn làm con của mẹ nữa?
 
- À, tại vì con thấy mẹ lúc nào cũng nói nhẹ nhàng, lịch sự với những trẻ khác. Còn với con, mẹ rất khô khan và còn hay mắng mỏ, giận dữ, ít khi nói lời cảm ơn hay xin lỗi con nữa.
 
Một lần nữa, tôi lại sững sờ trước lời giải thích của con gái. Hóa ra, mọi chuyện không như tôi tưởng tượng. Cả tối đó, tôi cứ suy nghĩ mãi về “điều ước” của con. Và tôi chợt nhận ra, con tôi đã nói đúng.
 
Nhà tôi ở trong một khu tập thể cùng với nhà của nhiều gia đình trẻ khác. Sáng ra, vào giờ đi học, đi làm, những đứa trẻ theo bố mẹ ùa ra cầu thang. Mỗi khi gặp chúng, tôi lại cười rất tươi: “Bác chào các cháu. Các cháu đi học ngoan nhé!”. Khi một đứa trẻ nào đó chào lại, tôi đáp: “Cháu thật là ngoan. Bác yêu cháu quá!”. Có trẻ dúi vào tay tôi chiếc kẹo, tấm bánh, tôi cảm kích: “Bác cảm ơn cháu nhiều!”...
 
Tôi luôn nghĩ, mình chào hỏi như vậy để giữ phép lịch sự với chúng, còn với con gái, dù gì cũng là “người trong nhà” thì thế nào cũng được. Không hiểu sao, tôi có thể nói ra những từ yêu thương, ngọt ngào với trẻ hàng xóm, nhưng lại rất ngượng ngùng khi bày tỏ tình cảm với chính con mình. Tôi chưa bao giờ nói với con ba từ “Mẹ yêu con!”.
 
Khi con tôi cùng tôi làm việc nhà, tôi cho rằng, đó là điều đương nhiên, là trách nhiệm của con trong gia đình chứ chẳng bao giờ cảm ơn con một tiếng. Và cả khi tôi mắng oan con, nếu con có khóc lóc phản ứng thì tôi sẽ lấy quyền làm mẹ để áp chế cảm xúc đó của con.
 
Tôi quên mất rằng, tôi từng rất nhiều lần xin lỗi những đứa trẻ hàng xóm chỉ vì những lỗi rất nhỏ như vô tình quên mất tên của chúng trong khi chẳng bao giờ thừa nhận sai lầm của mình với con. Mỗi ngày, thay vì khen con, cười với con, tôi thường chỉ càu nhàu ca cẩm vì con gái chưa gọn gàng, chưa chăm chỉ, học tập chưa tốt...
 
Tôi không nghĩ rằng, cách đối xử khác biệt đó của tôi lại khiến con gái phải suy nghĩ, tổn thương.
 
Tôi đã kể lại chuyện này với mấy đồng nghiệp cũng đang làm bố, mẹ như tôi. Thật trùng hợp, mọi người đều thừa nhận họ cũng “phạm lỗi” như tôi. Một chị kể, có lần, con một người bạn chị tới nhà chơi, đã vô tình làm vỡ lọ hoa. Thấy vậy nhưng chị vẫn không hề nổi giận, còn an ủi cháu bé: “Thôi cháu ạ, nhà bác vẫn còn nhiều lọ hoa nữa. Cháu để ý lần sau cẩn thận hơn là được”. Trong khi đó, con gái chị nếu phạm lỗi tương tự sẽ phải nhận sự trách phạt cùng những lời kết tội nặng nề từ mẹ: “Con thật vụng về”, “Con chưa làm được gì có ích mà chỉ biết phá thôi”. Chị sẽ không an ủi và để cho con cơ hội sửa chữa như đã làm với con của bạn.
 
7d424e4ed4f881c1f4ff834a1586962c2d3c3e56.jpg
Ảnh minh họa

  

Một chị khác tâm sự: Với “con nhà người”, dù có tức giận đến mấy thì chị vẫn phải kìm nén. Bởi, chị không muốn làm chúng tổn thương. Nhưng, với con mình rứt ruột đẻ ra, dường như chị chưa bao giờ nghĩ mình có làm gì khiến con buồn không?. “Yêu cho roi cho vọt/Ghét cho ngọt cho bùi” - mình có yêu con thì mới làm vậy với con” - chị cố giải thích như thế.
 
Và có cả một ông bố cũng thừa nhận: “Nhiều lúc, sau một ngày làm việc căng thẳng, mình về nhà với tâm trạng mệt mỏi. Vì thế, mình rất dễ trút cáu giận lên đầu con. Tuy nhiên, nếu đó là con hàng xóm, thì mình vẫn sẽ phải cười và nói năng nhẹ nhàng với chúng”.
 
Cuối cùng, chúng tôi đều thống nhất, mình đã không công bằng với chính con mình. Con cái được coi là báu vật của cha mẹ, vậy tại sao cha mẹ lại lại không thể trân trọng, nâng niu báu vật đó. Các con của chúng ta cũng cần được yêu thương, được nghe những lời dịu dàng, được nhận nụ cười trên khuôn mặt của chúng ta chứ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn