Điều trị viêm gân không cần dùng thuốc

15:14 | 10/03/2020;
Viêm gân là một bệnh cảnh xương khớp rất phổ biến trên lâm sàng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều chưa có hiểu biết thực sự về bệnh viêm gân là gì, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách điều trị viêm gân như thế nào...

1. Viêm gân là gì?

Gân là một dải mô xơ cứng được cấu tạo chủ yếu từ các sợi collagen, là bộ phận nối giữa cơ với các điểm bám tận của cơ và có khả năng chịu lực căng rất tốt. Hình dạng của gân rất đa dạng, tự dạng sợi nhỏ, mảnh đến các gân có kích thước lớn...

Khi vì một nguyên nhân nào đó khiến phản ứng viêm xuất hiện ở gân, người ta gọi đây là tình trạng viêm gân. Viêm gân thường là bệnh lý gây đau cấp tính và gây hạn chế vận động của bệnh nhân.

viem-bao-gan-co-tay

Gân là một dải mô xơ cứng được cấu tạo chủ yếu từ các sợi collagen (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây viêm gân là gì?

Hầu hết các trường hợp viêm gân trên lâm sàng không thể xác định chính xác được nguyên nhân gây bệnh trên bệnh nhân là gì. Nhưng người ta nhận thấy rằng, có ba nhóm tác nhân chủ yếu được cho là thủ phạm chính cho phần lớn các trường hợp viêm gân, bao gồm:

- Sử dụng quá mức: Đây là nguyên nhân viêm gân thường thấy do sự lặp đi lặp lại một động tác trong thời gian kéo dài liên tục. Những động tác này mặc dù có cường độ không cao, nhưng sự lặp đi lặp lại này khiến gân bị tổn thương nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên, và gây nên tình trạng viêm gân.

Có rất nhiều các động tác lặp đi lặp lại trong sinh hoạt hằng ngày có thể gây nên viêm gây như kéo, ném, vẽ, chơi golt, quần vợt, cầu lông,...

cac-thao-tac-van-dong-manh-dot-ngot-cung-dan-den-dau-got-chan

Viêm gân có thể xảy ra do một số hoạt động vượt quá khả năng chịu đựng của gân (Ảnh: Internet)

- Do hoạt động quá tải: Những vận động có cường độ cao, vượt quá khả năng chịu đựng của gân có thể khiến gân bị tổn thương và gây nên viêm gân. Chẳng hạn như lao động nặng nhọc, mang vác nặng, chơi thể thao cường độ cao, do chấn thương,...

Tình trạng này dễ dàng xảy ra hơn ở những người không thường xuyên vận động, nhưng đột nhiên hoạt động với cường độ cao.

- Do biến chứng của một số bệnh khớp

- Nhiễm trùng: Mặc dù khá hiếm gặp, nhưng người ta cũng ghi nhận một số loại nhiễm trùng khác nhau có thể là nguyên nhân gây nên viêm gân, chẳng hạn như lậu, hay nhiễm trùng từ các vết cắn của chó, mèo,...

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, viêm gân cũng có thể xuất hiện từ một số các nguyên nhân hiếm gặp khác như do sử dụng thuốc (ciprofloxacin, levofloxacin), bệnh tiểu đường,...

3. Phân loại bệnh viêm gân

Bệnh viêm gân thường được phân loại theo vị trí xảy ra viêm gân, bao gồm các loại viêm gân thường gặp như sau:

- Viêm gân ở vai: Viêm gân ở vai thường gây nên do tình trạng sử dụng quá mức, hay gặp ở những người có công việc yêu cầu sử dụng cánh tay liên tục như họa sĩ, vận động viên bơi lội, quần vợt, cầu lông, thợ mộc,... Tình trạng viêm gân ở vai thường xay ở bên vai cánh tay thuận.

- Viêm gân vùng khuỷu: Viêm gân khuỷu cũng là một tình trạng viêm gân có thể xảy ra do sự lạm dụng quá mức các gân ở vùng này, hay xảy ra ở những người thường xuyên vận động vùng khuỷu tay như các vận động viên chơi các môn thể thao dạng ném (ném tạ, ném đĩa,...).

- Viêm gân cổ tay: Viêm gân cổ tay thường xuất hiện dưới dạng bệnh De Quervain. Hay gặp do sự lạm dụng gân cổ tay quá mức ở những người thường xuyên hoạt động cổ tay như nhân viên văn phòng.

- Viêm gân vùng gối: Viêm gân bánh chè là dạng thường gặp nhất của viêm gân tại vùng khớp gối. Tình trạng viêm gân vùng gối hay gặp ở những người phải di chuyển nhiều như vận động viên điền kinh, vận động viên bóng đá,...

- Viêm gân Achilles: Viêm gân Achilles là viêm gân thường gặp nhất ở vùng cổ chân, xảy ra ở những người hay phải chạy nhiều hoặc đôi khi cũng có thể gây nên do sử dụng giày có hình dáng, kích cỡ không phù hợp.

4. Triệu chứng biểu hiện của viêm gân

Nhìn chung, hầu hết các trường hợp viêm gân đều có biểu hiện đau ở khu vực cạnh khớp, mức độ đau có thể biểu hiện khác nhau ở các bệnh nhân viêm gân tùy theo nguyên nhân do lạm dụng gân quá mức, hay do gân quá tải,... Thường thì viêm gân do các nguyên nhân gây quá tải gân sẽ gây đau nhiều hơn là viêm gân do lạm dụng gân quá mức. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cảm thấy tính trạng sưng, nóng, đỏ khu vực quanh khớp.

Hạn chế vận động là tình trạng thường xuyên xảy ra ở bệnh nhân bị viêm gân. Tình trạng này thường xảy ra do viêm gân gây đau đớn khi vận động.

Bên cạnh đó, nếu tình trạng viêm gân của bệnh nhân gây nên bởi một yếu tố nhiễm trùng thì ngoài các biểu hiện đặc trưng của viêm gân thì người bệnh còn có các biểu hiện đặc trưng nhiễm trùng tương ứng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, phát ban, chảy dịch bất thường ở niệu đạo,...

viem-gan-dien-thoai1

Viêm gân cổ tay thường xuất hiện dưới dạng bệnh De Quervain (Ảnh: Internet)

5. Chẩn đoán viêm gân như thế nào?

Để chẩn đoán viêm gân cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ dựa trên hai nguồn thông tin chính là các biểu hiện lâm sàn của người bệnh và các kết quả xét nghiệm của người bệnh.

Để khai thác chính xác các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, tránh bỏ sót bất kể yếu tố nào có ích cho chẩn đoán thì bác sĩ có thể đặt một số các câu hỏi khác nhau để gợi ý cho bệnh như:

- Vị trí xảy ra đau ở đâu?

- Đau bắt đầu khi nào?

- Nghề nghiệp và các hoạt động thường ngày của bệnh nhân.

- Những biện pháp nào có thể được sử dụng để giảm đau?

- Tính chất đau như thế nào? Đau mạnh hay nhẹ, đau có tăng lên khi vận động không,...

- Có cảm giác ngứa, nóng ở gần khu vực đau hay không?

- Các bất thường khác mới xuất hiện gần đây trên cơ thể bệnh nhân.

- Tiền sử bệnh tật của bệnh nhân.

Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin từ những câu trả lời của người bệnh, bác sĩ còn có thể thực hiện các nghiệm pháp khác nhau để đánh giá tình trạng bệnh của bệnh nhân, xác định gân bị viêm, kiểm tra các bất thường khác nếu có,...

* Những cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán viêm gân:

-Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để phát hiện tình trạng viêm đang xảy ra trong cơ thể của bệnh nhân, những thông số có thể biến đổi khi viêm gân như CRP tăng, bạch cầu tăng, Procalcitonin tăng, tốc độ lắng máu tăng ,... Xét nghiệm máu chỉ xác định được có viêm đang diễn ra chứ không thể xác định viêm tại đâu.

- Chụp X- Quang: Bệnh nhân có thể được cho chụp X- Quang để kiểm tra chắc chắn rằng không có một tình trạng gãy xương nào đang xảy ra.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ là xét nghiệm hình ảnh học có giá trị đặc biệt trong chẩn đoán viêm gân, nó cho thấy rõ ràng mức độ tổn thương gân một cách trực quan thông qua hình ảnh thu được.

6. Điều trị viêm gân như thế nào?

Tình trạng viêm gân càng được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng bệnh sẽ càng tốt và khả năng bình phục sẽ càng cao. Do đó, người bệnh viêm gân ngay khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện thì nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị sớm bằng phương pháp thích hợp.

Điều trị viêm gân bao gồm điều trị không dùng thuốc, điều trị bằng thuốc, phẫu thuật.

6.1. Điều trị viêm gân không dùng thuốc

Là những biện pháp điều trị không đặc hiệu nhưng có hiệu quả rất tích cực trong vấn đề điều trị viêm gân. Các nội dung điều trị viêm gân không sử dụng thuốc được khuyến cáo bao gồm:

- Bất động và nghỉ ngơi tối đa vùng gân bị viêm, nếu cần thiết thì bệnh nhân có thể được cho sử dụng các phương tiện để hỗ trợ bất động như sử dụng nẹp,...

- Chườm lạnh để giảm viêm tại vùng đang bị viêm gân, tuy nhiên khi chườm lạnh nên thường xuyên cảm giác tại vùng chườm, không chườm bằng nhiệt độ quá thấp có thể gây bỏng lạnh hoặc thiểu dưỡng do co mạch.

20190619_055414_965976_cach-chua-viem-gan

Chườm lạnh để giảm viêm tại vùng đang bị viêm gân (Ảnh: Internet)

- Các phương pháp vật lý trị liệu: Ngoài ra bệnh nhân còn có thể được sử dụng một số phương pháp vật lý trị khác như sóng siêu âm, xoa bóp, thủy trị liệu để chống dính gân, cải thiện khả năng vận động của khớp.

6.2. Các loại thuốc điều trị viêm gân

- Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid (NSAIDs): Các thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm gân, do thuốc thấm tốt vào khớp và các thành phần cạnh khớp, hiệu quả giảm đau và kháng viêm rất tốt. Các thuốc thường được dùng như ibuprofen, naproxen,....

Nhưng sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid có thể sẽ gây viêm loét dạ dày, tổn thương gan thận, và tiềm ẩn nguy cơ tim mạch,... Do đó nên thận trọng sử dụng ở các bệnh nhân có bệnh lý gan thận và sử dụng thêm thuốc ức chế bơm proton để hạn chế tác dụng phụ tại dạ dày.

- Corticoid: Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid trong điều trị viêm gân thì Corticoid có thể được sử dụng do tác dụng giảm viêm và giảm đau rất nhanh. Tuy nhiên không nên lạm dụng vì nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy Corticoid trong điều trị viêm gân thường được dùng để tiêm tại chỗ mà không sử dụng bằng đường uống để hạn chế tác dụng phụ toàn thân.

images5349501_bs

Corticoid trong điều trị viêm gân thường được dùng để tiêm tại chỗ (Ảnh: Internet)

6.3. Phẫu thuật

Phẫu thuật không phải là một sự lựa chọn thường xuyên để điều trị cho người bị viêm gân. Phương pháp điều trị viêm gân bằng phẫu thuật chỉ được xem xét sử dụng khi tình trạng của người bệnh viêm gân đã quá nặng, các biến chứng viêm gân gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoặc bệnh nhân không đáp ứng đối với các phương pháp điều trị bảo tồn.

7. Tiên lượng cho bệnh viêm gân

Bệnh viêm gân nếu ở mức độ nhẹ và được điều trị đúng cách thì có thể sẽ được chữa khỏi sau khoảng vài ngày cho đến vài tuần, một số trường hợp bệnh phức tạp thì thời gian hồi phục có thể sẽ cần đến hàng năm.

Hầu hết các trường hợp viêm gân được điều trị phù hợp đều sẽ khỏi hẳn mà không để lại di chứng về sau cho người bệnh. Nhưng nếu việc điều trị diễn ra không đúng hoặc quá nôn nóng chữa bệnh thì có thể sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau như rách gân, đứt gân,....

8. Những biến chứng thường gặp của viêm gân 

Viêm gân khi không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau. Các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm gân bao gồm:

- Co rút gân: Co rút gân là biến chứng thường xuyên xảy ra khi bị viêm gân, gân bị co rút khiến nó trở nên ngắn đi. Điều này khiến bệnh nhân bị hạn chế một phần vận động và có thể gây biến dạng nhẹ ở vùng có viêm gân.

- Sẹo dính: Các gân bị viêm có thể bị dính với nhau tạo thành một khối. Điều này cũng khiến khả năng vận động của bệnh nhân bị hạn chế.

- Teo cơ: Bệnh nhân viêm gân thường có biểu hiện đau, đau làm cho bệnh nhân hạn chế vận động vì vậy khiến các cơ bị teo nhỏ đi do không được sử dụng.

- Cứng khớp: Khớp bị hạn chế vận động lâu ngày do viêm gân có thể sẽ gây nên tình trạng cứng khớp. Cứng khớp có thể là cứng khớp một phần hoặc cứng khớp hoàn toàn.

9. Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm gân

9.1. Các thực phẩm tốt cho người bị viêm gân

- Vitamin C: Vitamin C là một loại vitamin rất cần thiết cho cơ thể con người, có tác dụng rất tốt trên bệnh nhân viêm gân. Nhưng cơ thể của chúng ta lại không thể tự sản xuất loại vitamin này. Do đó trong khẩu phần ăn của bệnh nhân viêm gân nên được bổ sung thêm nhiều vitamin C. Vitamin C thường xuất hiện trong các loại rau, củ, quả,...

- Omega 3: Omega 3 là một loại acid béo thường xuất hiện trong các loài cá sinh sống ở vùng biển sâu (cá hồi, cá ngừ), hay các loại hạt (oliu,...). Omega 3 có tác dụng kháng viêm rất tốt nên đây là một loại thực phẩm mà bệnh nhân viêm gân nên tăng cường sử dụng.

- Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt cũng là một loại thực phẩm tốt cho người bị viêm gân, bởi chúng có chứa chất xơ, hàm lượng cao các loại vitamin và khoáng chất.

9.2. Người bị viêm gân không nên ăn gì?

- Các loại chất béo không lành mạnh: Các loại chất béo không lành mạnh được sử dụng phổ biến trong công nghiệp thực phẩm (thức ăn chế biến sẵn, dầu omega 6), mỡ động vật là những loại chất béo mà bệnh nhân viêm gân không nên sử dụng, chúng có thể làm tăng nặng thêm tình hình viêm gân của bệnh nhân.

- Đường và ngũ cốc tinh chế: Nếu như ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm tốt cho người bị viêm gân thì sản phẩm của nó- ngũ cốc tinh chế và đường lại không hề tốt khi sử dụng cho người mắc bệnh này. Những loại thực phẩm này có hàm lượng Calo cao trong khi đó giá trị dinh dưỡng không phong phú, dễ làm bệnh nhân tăng cân tăng áp lực lên gân và làm tăng nặng phản ứng viêm.

- Rượu và đồ uống có cồn: Khi bệnh nhân viêm gân sử dụng rượu và đồ uống có cồn, dưới tác dụng của các loại thức uống này thì quá trình chữa trị các tổn thương do viêm gân gây nên sẽ trở nên chậm chạp hơn. Vì vậy không nên sử dụng rượu và đồ uống có cồn cho bệnh nhân viêm gân.

- Muối: Khi sử dụng nhiều muối, cơ thể sẽ bị giảm hấp thu kali và các chất dinh dưỡng cần thiết cho việc làm lành các tổn thương viêm gân gây nên. Vì thế, bệnh nhân viêm gân không nên sử dụng quá nhiều muối trong chế biến thức ăn, hạn chế các thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối như mì tôm, thức ăn hộp,...

10. Phòng tránh

Không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu cho bệnh viêm gân mà chỉ có một số biện pháp dự phòng chủ động, không đặc hiệu khi được áp dụng có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm gân. Các biện pháp dự phòng viêm gân bao gồm:

- Tập thể dục: Tập thể dục là một trong các biện pháp phòng chống viêm gân tương đối hiệu quả, những bài tập thể dục có thể giúp tăng cường sức khỏe gân, tránh viêm gân mới xảy ra và tránh tái phát viêm gân, đặc biệt là phòng tránh viêm gân do nguyên nhân quá tải gân.

Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả phòng chống viêm gân, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu để được giới thiệu các bài tập thích hợp và kỹ thuật thực hiện đúng.

- Làm mát: Sau khi hoạt động liên tục, hoạt động cường độ cao thì gân thường có xu hướng nóng lên do sự chuyển hóa năng lượng. Vì vậy, nên chú ý thực hiện các biện pháp làm mát thích hợp như ngâm nước mát, chườm mát,... để có thể phòng chống viêm gân xảy ra.

- Tập vận động: Tập vận động vùng khớp có gân bị viêm có ý nghĩa lớn trong dự phòng tái phát ở những bệnh nhân đã bị viêm gân trước đó. Bởi sự bất động, hạn chế vận động khi bị viêm gân có thể khiến gân của bệnh nhân bị dính, bị co rút,...

Vì vậy, các động tác vận động lặp đi lặp lại ở vùng gân với cường độ và kỹ thuật thích hợp có thể giúp phục hồi sức khỏe các gân đã bị viêm trước kia, khiến chúng khó bị viêm trở lại hơn.

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/tendinitis#symptoms

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn