Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV

20:19 | 29/11/2024;
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 cho phòng, chống HIV/AIDS.

Ngày 29/11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS 1/12 với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, tại Việt Nam, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống HIV/AIDS còn nhiều thách thức. Theo Liên hợp quốc, tính đến hết năm 2023, thế giới có khoảng 39,9 triệu người đang sống chung với HIV; trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 6,7 triệu người. Đại dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống. Vẫn tồn tại sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người sống chung với HIV...

Đối với ngành Y tế, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 cho phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai các giải pháp chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS, ưu tiên các cơ sở, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị dịch bệnh. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bản thân những người đang sống chung với HIV cần có cái nhìn tích cực, tư duy mới về việc sống chung với HIV, thúc đẩy quyền lợi và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người cùng hoàn cảnh; hướng tới một xã hội không còn phân biệt và một tương lai không còn HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách đồng bộ và chỉ đạo triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân và sự phối hợp, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Với quyết tâm và tinh thần đoàn kết, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, hoàn thành mục tiêu “chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030”.

Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại sự kiện

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). 

Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Châu Á - Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV. Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hàng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV.

Hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân được điều trị ARV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi, qua đó đã luôn duy trì kiểm soát dịch HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, từng bước tiến đến mục tiêu 95-95-95 theo Chiến lược quốc gia đã đề ra. Những kết quả này chứng minh cho sự đổi mới, sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Anh Nguyễn Anh Tú, đại diện cho mạng lưới Người sống chung với HIV tại Việt Nam, chia sẻ: Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, chúng tôi thấy không chỉ cần những tiến bộ về y tế mà còn cần một xã hội đồng cảm và công bằng, nơi mọi người có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS mà không bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Khi không còn các rào cản trong xã hội, mỗi cá nhân mới có thể vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng nhau bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện.

Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Anh Tú, đại diện cho mạng lưới Người sống chung với HIV tại Việt Nam

Bản thân anh và những người sống chung với HIV không chỉ nỗ lực vì bản thân, vượt qua bệnh tật mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Thông qua vai trò của mình trong mạng lưới Người sống chung với HIV tại Việt Nam, anh Tú đã tham gia vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn