Vợ bị cáo Quốc trong vụ án 'chạy thận': Con cứ hỏi 'Ba đi đâu rồi mẹ?'

13:11 | 24/05/2018;
“Ở nhà anh Quốc sống rất tình cảm. Ngoài lúc đi làm, hễ về nhà, anh lại chơi đùa cùng con. Khi anh ấy bị tạm giam, những ngày đầu, con cứ hỏi “Ba đi đâu rồi mẹ?”. Tôi phải nói dối con rằng ba đi làm xa rồi quay đi gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má”, chị Mây kể.
Những ngày này, TAND TP Hòa Bình đang ngày càng “nóng” bởi phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người” xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5.
 
Khi phiên tòa kết thúc ngày làm việc thứ 7, chị Dương Thị Mây, vợ bị cáo Bùi Mạnh Quốc ngồi ủ rũ một góc. Cũng bởi, hôm nay, Viện Kiểm sát đã đề nghị tuyện phạt chồng chị mức án từ 5-6 năm tù.
 
Chị bảo, mỗi khi kết thúc buổi xét xử, chị lại chạy ra ngoài thật nhanhvới mong muốn được ôm chồng một chút nhưng vô vọng. Bởi công an áp tải Quốc lên xe đặc chủng rất nhanh, đồng thời ngăn không cho ai đến gần bị cáo.
 
Vợ chồng chị Mây kết hôn năm 2014. Khi ấy, chị là công nhân công ty điện tử tại Bắc Ninh, còn Quốc làm về xử lý nước thải. Công việc này đã gắn bó với chồng chị gần chục năm qua. 
 
Chị bảo, công việc của Quốc thất thường. Anh là kỹ sư thường xuyên xử lý hệ thống nước thải cho các doanh nghiệp, BV trên địa bàn toàn quốc. Dù vậy, anh cũng chỉ nhận khoán từ các doanh nghiệp khác hay nói chính xác hơn làm thuê cho họ. Tuy nhiên, trước năm 2017, chồng chị rất hay bị đối tác “bùng” tiền công bởi chẳng có hóa đơn, chứng từ gì.
33599682_2084134381648810_8422278507786141696_n1.jpg
Chị Dương Thị Mây, vợ bị cáo Bùi Mạnh Quốc

Sau khi bàn bạc, cuối năm 2016, chồng chị thành lập công ty xử lý nước thải Trâm Anh do Quốc làm giám đốc. “Việc thành lập công ty để có tư cách pháp nhân, làm việc với các doanh nghiệp để tránh “bùng” tiền thôi. Vì vậy, mang danh là giám đốc, nhưng chồng em vẫn trực tiếp đi làm thuê, xử lý nước thải”, chị Mây chia sẻ.

 

Cuối tháng 5/2017, chồng chị có thỏa thuận xử lý hệ thống nước thải tại BV Đa khoa Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn. Ngày 28/5/2017, chồng chị lên Hòa Bình để xử lý theo thỏa thuận. Thế nhưng, sáng ngày 29/5, chồng chị nhận được điện thoại đã xảy ra sự cố tại đơn nguyên Thận nhân tạo của BV, nơi anh vừa xử lý hệ thống nước thải làm 18 người bị sốc phản vệ, trong đó 7 người tử vong (sau đó có thêm 2 người nữa tử vong). Ngay lập tức, anh lên Hòa Bình để khắc phục sự cố. “Nghe xong điện thoại, anh rụng rời, tôi cũng run lên. Bởi gần chục năm đi làm, chưa bao giờ anh để xảy ra sự cố nhỏ. Ngay lập tức, chồng tôi lên Hòa Bình. Còn tôi, liên tục xem diễn biến vụ việc qua báo chí”, chị Mây kể.

 

Những ngày sau đó, gia đình chị sống trong tâm trạng lo lắng. Quốc cũng đứng ngồi không yên, bởi nguy cơ có thể bị bắt bắt cứ lúc nào, nhất là khi anh liên tục phải làm việc với cơ quan CSĐT. Chị kể: “Đầu tháng 6/2017, một đồng chí công an bảo tôi chuẩn bị cho Quốc vài bộ quần áo để lên cơ quan điều tra làm việc. Họ bảo, Quốc chỉ lên làm việc vài ngày rồi về nên mang ít đồ thôi. Tôi cũng tin lắm và chuẩn bị quần áo cho chồng. Thế nhưng, Quốc lên cơ quan CSĐT làm việc vài ngày, rồi họ đọc lệnh bắt tạm giam luôn ở trên ấy”.

dsc_0019.JPG
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc

 Khi nhận hung chồng bị bắt rồi khởi tố, tôi khuỵu xuống, bởi điều lo lắng nhất đã xảy ra. Tôi khóc nhiều lắm, cũng chẳng đếm được mình đã khóc bao nhiêu lần nữa. Tôi thương chồng, thương con, thương cho cả mình nữa”, chị Mây ngậm ngùi.

Chị Mây bảo, ở nhà Quốc sống rất tình cảm. Ngoài lúc công việc bận bịu, hễ về nhà, anh lại bế con, tắm rửa và chơi đùa cùng. Bé mới 3 tuổi và theo anh lắm. Vì thế, khi Quốc bị tạm giam, những ngày đầu bé cứ hỏi “Ba đi đâu rồi mẹ”, tôi phải dối con rằng ba đi làm xa rồi quay đi gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má.      
    
Ban đầu, chị cũng sợ người làng, hay đồng nghiệp xì xào về chồng, về gia đình. Nhưng mọi người hiểu hoàn cảnh của gia đình chị, nhất là khi có kết luận điều tra về sự cố. Ai cũng hiểu rằng, Quốc không cố ý. Gia đình hai bên chia sẻ, đồng nghiệp công ty động viên an ủi. Bố mẹ chồng cũng vay mượn, giúp chị một số tiền để khắc phục hậu quả. “Khi hay tin, một nhóm bạn học đại học của chồng tôi đã quyên góp được 25 triệu đồng và trao cho gia đình để giúp vượt qua thời khắc khó khăn. Tôi cảm động lắm, bởi khi chồng tôi vướng vòng lao lý, mọi người không bỏ rơi, mà còn ủng hộ, giúp đỡ và chia sẻ. Qua đây, tôi cảm ơn mọi người rất nhiều”, chị Mây nói.  
 
Từ khi xảy ra sự cố, chị cũng đã gọi điện, thăm hỏi các gia đình nạn nhân; thăm hỏi bác sĩ Hoàng Công Lương. Chị bảo, trong vụ việc này chồng chị cũng có lỗi. Vì vậy, mình làm chút gì đó để động viên các gia đình nạn nhân. Gia đình nạn nhân cũng hiểu, Quốc không cố tình và đây là sự cố không may và đã đề nghị Hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo. “Tôi rất cảm động, bởi các gia đình nạn nhân không những không hận thù mà còn xin giảm án cho chồng tôi. Tôi cảm ơn mọi người nhiều lắm”, chị Mây khép lại câu chuyện.
 
Như PNVN đã đưa tin, ngày 15/5, TAND TP Hòa Bình đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
 
Theo đó, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng Vật tư) BV Đa khoa Hòa Bình về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi) Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội “Vô ý làm chết người”. Tại tòa, Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã đề nghị  mức án cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc từ 5-6 năm tù.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn