Chuyện xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 21/2, anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) dắt con đi chơi gần công viên ở thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, Long An). Khi hai cha con chơi trò đuổi bắt thì một phụ nữ bán vé số đã nhầm tưởng và tri hô anh bắt cóc trẻ con. Nghe tiếng tri hô, Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa) đã chạy tới can thiệp. Mặc dù anh Bảo giải thích là cha con chơi đùa, song Điền vẫn không nghe và đòi đưa anh Bảo tới đồn công an để làm rõ. Hai bên cự cãi, Điền lấy dao trong quán nước đâm chết anh Bảo.
Câu chuyện gây bàng hoàng người đọc và có lẽ không ít người sẽ đặt ra câu hỏi: lý do nào khiến điều tưởng như không thể lại có thể diễn ra trong thực tế và liệu đấy là kết quả của một việc hi hữu ngẫu nhiên hay đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động của quá nhiều yếu tố tiêu cực đến tâm lý mỗi người?
Sự việc bắt đầu từ sự “nhầm lẫn” của người bán vé số. Điều gì khiến một hình ảnh đáng yêu: người cha đang chơi với đứa con nhỏ của mình ở công viên lại biến thành một hành vi của tội ác - bắt cóc trẻ em, trong mắt người phụ nữ bán vé số? Như một phản xạ bản năng, chị này hô hoán về một vụ bắt cóc trẻ con.
Chỉ có thể lý giải đó là hậu quả của nhưng tin đồn ác ý thất thiệt trên mạng xã hội trong suốt thời gian dài vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân. Cụ thể hơn, những tin đồn ấy thường "đánh" vào nỗi sợ hãi tiềm ẩn trong mỗi người, khiến họ rơi vào tình trạng bất an, thậm chí tự kỷ ám thị và mất đi sự khách quan khi nhìn nhận bất cứ sự việc nào.
Thực tế cũng đã xảy ra không ít trường hợp một số người bị đánh oan chỉ vì bị nghi là bắt cóc trẻ em, chỉ đến khi cơ quan chức năng cạn thiệp, họ mới thoát khỏi sự phẫn nộ của đám đông.
Nếu chỉ có sự nhầm lẫn tai hại của người bán vé số, sự việc trên chắc chắn cũng chưa nghiêm trọng đến mức chết người. Trong câu chuyện đó lại có thêm một thanh niên trong tình trạng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, vì sử dụng chất kích thích, đã hành động một cách thiếu tỉnh táo, nếu không nói là hồ đồ và dẫn đến hậu quả thương tâm là tước đoạt tính mạng người khác.
Có thể do xuất phát từ ý định ngăn chặn hành vi bắt cóc trẻ em, Điền đã can thiệp, thậm chí anh ta còn có một giải pháp khá đúng đắn: yêu cầu làm việc với công an để làm rõ sự việc.
Nhưng ngay sau đó, với tác dụng của bia rượu, anh ta không ý thức và làm chủ được hành vi của mình, để rồi lựa chọn một giải pháp tiêu cực: tước đoạt mạng sống của người khác.
Trong thực tế, có rất nhiều tình huống cần sự chung tay can thiệp của cộng đồng, tuy nhiên hầu hết các vụ việc lại không nhận được sự quan tâm đúng mức. Đơn cử là những trường hợp xảy ra tai nạn giao thông. Trong đa số các trường hợp, nhiều người thường lặng lẽ bỏ qua với những lý do khác nhau và rất ít nạn nhân được cấp cứu kịp thời.
Nhưng tại sao trong những vụ truy sát trộm chó hay đánh hội đồng, những đối tượng vi phạm pháp luật nói chung lại phải nhận sự “phản ứng” quá mức cần thiết?
Phải chăng ở đây, rất nhiều người xuất phát từ nỗi sợ hãi trong vô thức một ngày nào đó chính mình cũng trở thành đối tượng của những hành vi vi phạm? Người ta lo sợ ngày nào đó kẻ trộm chó sẽ nhằm vào chính nhà mình, kẻ bắt cóc trẻ con có thể sẽ tấn công con em mình. Và họ đã để nỗi sợ hãi chi phối hành động của mình.
Không phủ nhận, những tiến bộ trong công nghệ thông tin đã giúp ích rất nhiều cho đời sống con người, tuy nhiên trong khoảng 10 năm trở lại đây, mạng xã hội với những mặt trái của nó đã gây ra những hậu quả không nhỏ.
Một bộ phận những kẻ ác tâm đã lợi dụng mạng xã hội phát tán những tin đồn thất thiệt gây xáo trộn trong xã hội. Và không ít người đã trở thành nạn nhân của tệ nạn này.
Sự việc đau lòng trên cũng thêm một lần nữa cảnh báo về tác hại của việc lạm dụng chất kích thích dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Thời gian vừa qua đã có rất nhiều vụ vi phạm pháp luật, từ điều khiển phương tiện giao thông gây cái chết cho hàng loạt người đến bắt cóc, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người... do những đối tượng sử dung ma túy, rượu, ma túy đá gây ra.
Chính sự đầu độc về tâm lý (thông tin thất thiệt trên mạng xã hội) và cả thể chất (các chất hướng thần, chất gây nghiện) khiến một số người luôn cảm thấy bất an và hành động lệch chuẩn.
Hơn lúc nào hết, cơ quan chức năng cần có những biện pháp căn cơ để khống chế và đẩy lùi những tác động tiêu cực đang ảnh hưởng đến cả đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân. Nếu những biện pháp này không được thực hiện kịp thời, sẽ đến lúc người ta không thể cảm thấy an toàn ở bất cứ đâu, dù trong chính nhà mình hay tại những địa điểm công cộng.