Xử lý “điểm nóng” cần kiên trì, mềm mỏng

18:42 | 18/07/2016;
Gần 20 năm làm công tác Hội, một trong số những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi, đó là dịp tỉnh tiến hành giải phóng mặt bằng dự án hồ Sông Sỏi ở địa bàn huyện Yên Thế (hồ cung cấp nước tưới tiêu cho bà con nông dân).

Năm ấy, dự án phải giải phóng mặt bằng với diện tích lớn, bà con đa số ủng hộ, chỉ còn 2 hộ dân không chịu nhận tiền đền bù của Nhà nước. 1 trong số 2 trường hợp đó nhà bà Liên, nên các cấp chính quyền buộc phải cưỡng chế. Đoàn cưỡng chế có 3 chị em nữ (tôi ở Hội LHPN huyện, 1 chị ở Hội LHPN xã và 1 chị ở Chi hội phụ nữ địa bàn nhà bà Liên). Bà Liên kêu gọi 2 con, 1 trai, 1 gái, cùng ra chống đối chính quyền. Hội phụ nữ phải đảm nhận 2 đối tượng nữ là bà Liên và con gái. Công an thì tiếp cận cậu con trai. Vừa đi theo 3 mẹ con, chúng tôi vừa tuyên tuyền, còn cầm thêm 2 cái chăn mỏng cho bà Liên và người con gái.

 Bà Trần Thị Vượng

Đến trưa, mấy mẹ con bà Liên cứ lăn ra khóc. Chúng tôi không ai dám ăn trưa, mà liên tục động viên họ uống sữa giữ sức khỏe, nếu cứ gào khóc mãi thì chỉ mệt thôi, mà không giải quyết được gì. Thấy mẹ gào khóc ghê quá, cậu con trai không giữ được bình tĩnh đã nhảy vào đấm đá túi bụi nhóm mấy anh công an, trước sự chứng kiến của dân địa phương. Lần thứ 3 gây sự, cậu bị đưa về trụ sở công an xã. Thấy thế, con gái bà Liên vào nhà nhiều lần cởi bở quần áo gây ức chế cho đoàn cưỡng chế, chúng tôi vừa giúp cháu chỉ lại quần áo, vừa nhẹ nhàng bảo: “Cháu làm gì thì làm nhưng đừng làm thế, xấu hổ lắm”.

Vậy mà đến cuối ngày, sau khi ngẩn ngơ đứng nhìn vườn cây vừa bị cưỡng chế, bà Liên đã bổ củ đậu mời mấy chị em chúng tôi ăn. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để gia đình bà Liên nhận tiền đền bù và rút đơn kiện.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn