Quặn lòng khi con bị dị tật hậu môn

01/10/2015 - 14:23
Dị tật hậu môn trực tràng không phải là căn bệnh khó chữa nhưng nếu không được phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời thì trẻ sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm.

 Anh Phan Văn K. chăm con tại viện (ảnh chụp tháng 7/2013)

Trên chiếc giường với tã, sữa, bỉm còn chưa được xếp gọn gàng, anh Phan Văn K. (41 tuổi) đang lặng lẽ tìm quần để thay cho con. Bé Phan Thị Thanh Nhàn - con gái vừa tròn 1 tuổi của anh - mếu máo nhìn cha, bàn tay phải bé xíu được nối với sợi dây truyền nước. Hơn 1 tuần nằm ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM, trải qua nhiều xét nghiệm để chờ phẫu thuật, bé Nhàn gầy nhom, mệt mỏi. Chất giọng miền Trung trầm ấm, anh K. vén nhẹ mái tóc của con rồi thì thầm: “Con gái ngoan, ngày mai phẫu thuật xong, cha con mình về nhà nhé”. Anh tâm sự: “Mai là sinh nhật cũng là ngày bé Nhàn sẽ được phẫu thuật tạo hậu môn. Con bé sinh ra đã “phải duyên” với bệnh viện”.

Vợ chồng anh K. sống tại huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Cưới nhau đã hơn 12 năm nhưng vẫn không có “tin vui”. 2 vợ chồng đã đi “vái tứ phương” chữa bệnh hiếm muộn. Ngày vợ đậu thai, anh K. vui mừng lắm. Nhưng niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang. Bé Nhàn mới chào đời đã mắc phải chứng bệnh dị tật bẩm sinh không hậu môn, nếu để tình trạng này kéo dài, cháu sẽ bị tắc ruột.

Anh K. nghẹn ngào kể: “Hồi mang thai, vợ tôi siêu âm nhiều lần vẫn thấy bình thường, nhưng không hiểu sao khi sinh ra cháu lại không có hậu môn. Vợ chồng bảo nhau: Thôi “trời cho” thì ráng mà nuôi. Nhưng hàng ngày nhìn con đau đớn, lòng chúng tôi quặn thắt”.

1 năm chờ đợi cuộc phẫu thuật cho con, anh K. đã tìm hiểu mọi thông tin về dị tật hậu môn ở trẻ sơ sinh. Anh chia sẻ: “Sau khi đặt hậu môn giả, các chất bài tiết chảy ra rất nhiều nên vợ chồng tôi lúc nào cũng phải túc trực để làm vệ sinh sạch sẽ cho con. Nếu cuộc phẫu thuật tạo hậu môn thật cho cháu ngày mai thành công tốt đẹp thì đây sẽ là “món quà” sinh nhật ý nghĩa nhất mà các bác sĩ dành cho cháu Nhàn và gia đình tôi”.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, dị tật không có hậu môn được phân chia làm 2 thể: cao và thấp, nên việc điều trị (phương pháp và thời gian điều trị) sẽ phụ thuộc vào phân loại này. Thể thấp gặp trong 90% trường hợp, trẻ sinh ra không hậu môn nhưng có một đường rò nhỏ xì phân ra dưới da, đổ ra bìu (trẻ trai) hoặc phía ngoài bộ phận sinh dục (trẻ gái). Trong trường hợp này, bé có thể được phẫu thuật làm ngay hậu môn thật. Ở thể cao, trẻ sinh ra hoàn toàn không có vết tích của hậu môn. Ở một số trẻ gái, trực tràng, bộ phận sinh dục và đường tiểu cùng đổ chung vào 1 lỗ (chuyên môn gọi là “tồn tại ổ nhớp”). Trường hợp này, trẻ sơ sinh sẽ được làm hậu môn tạm và đi tiêu bằng một lỗ trên thành bụng. Sau vài tháng, khi trẻ được 5kg trở lên thì bác sĩ mới tiến hành làm hậu môn thật phía dưới để trẻ có thể thích nghi, chịu được vết mổ.

Trước đây, các bệnh nhi không hậu môn phải trải qua quá trình điều trị kéo dài với 3 lần phẫu thuật. Đầu tiên, các bác sĩ đưa ruột già ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo để phân có đường thải ra ngoài. Sau đó thì kéo đoạn ruột đó xuống đúng vị trí thông thường và cuối cùng là tạo hình hậu môn. Với chứng phình đại tràng, sau vài tháng làm hậu môn nhân tạo, bác sĩ mới cắt đoạn đại tràng bệnh đi và khâu nối lại.

Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM đã áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới, chỉ phẫu thuật 1 lần: Hạ bóng trực tràng xuống (đoạn ruột cuối cùng có hình dáng phình ra như cái túi) và tạo hình hậu môn, bỏ qua giai đoạn làm hậu môn nhân tạo. Cách này không chỉ rút ngắn thời gian điều trị mà còn giảm nguy cơ biến chứng.

Hiện trẻ sinh ra mà phát hiện bị dị tật hậu môn sẽ được mổ miễn phí 100%. Nếu trẻ trên 6 tuổi thì sẽ đóng 80% chi phí phẫu thuật (khoảng 5 triệu đồng). Thời gian để vết thương lành là 1 tuần.


Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM

Dị tật hậu môn trực tràng xảy ra với tỉ lệ 1/5.000 trẻ sơ sinh. Khoa học chưa xác định được nguyên nhân, chỉ biết nó liên quan đến một số yếu tố như mẹ nhiễm virus, tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc dùng thuốc trong thời kỳ thai nghén.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm