Quyền yêu cầu ly hôn và cấp dưỡng cho con

13/03/2016 - 08:00
Quyền yêu cầu lý hôn và nghĩa vụ của vợ, chồng sau ly hôn trong việc cấp dưỡng cho con được qui định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Hỏi: Vợ chồng tôi có một con chung 4 tuổi. Chồng tôi đi làm ăn xa đã 2 năm nay, nhưng chỉ vài lần gửi về một ít tiền để nuôi con, còn lại không quan tâm gì đến vợ con. Xin Báo PNVN cho biết tôi có thể làm đơn xin ly hôn và yêu cầu cấp dưỡng cho con không?

Trần Thị Giáng Hương (Bình Phước)

Ảnh minh họa

Trả lời: Theo quy định tại Điều 51, Luật HN&GĐ 2014, thì: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn;… Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Còn theo Điều 56 Luật này về Ly hôn theo yêu cầu của một bên, thì: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được…

Về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, Điều 81 quy định: 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên…; 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con…

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (khoản 2, Điều 82). Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này (Điều 83).

Như vậy, chị có quyền làm đơn xin ly hôn và tòa án sẽ xem xét, giải quyết. Nếu khi ly hôn, tòa án giao cho chị được quyền nuôi con thì chị có quyền yêu cầu bố cháu có trách nhiệm cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

 

 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm