Chị Thanh Tâm yêu quý!
Em thực sự bế tắc quá, chị ơi. Trong cái nóng hầm hập của phòng trọ chật chội đêm hè, không điều hòa, cái quạt bỗng dưng dở chứng không quay, em ôm đứa con gần 3 tuổi mà vẫn chưa nói được câu nào, chưa chủ động được vệ sinh cá nhân và đọc mấy dòng nguệch ngoạc ông xã để lại, nhắn mẹ con em tự lo cho nhau, đừng chờ đợi hay liên lạc gì với anh ấy nữa.
Trước đó, khi vợ chồn em dồn được tiền đưa con về viện Nhi trung ương khám bệnh, các bác sĩ nói cháu bị tự kỷ, bố mẹ phải chuẩn bị tinh thần đồng hành, hỗ trợ con trong một thời gian dài. Bác sĩ cùng cho biết, không ai có thể cam kết hiệu quả sẽ như thế nào.
Em lấy chồng năm 23 tuổi, em sinh cháu lúc 25 tuổi. Em mang bầu trong tình trạng sức khỏe tốt. Em sinh con thuận tự nhiên, dễ dàng. Con em lớn lên mạnh khỏe. Thế mà cháu lại ra nông nỗi này, chị ơi?
Em cứ ước mình chưa bán con nghé ấy, chưa đi vay thêm tiền bố mẹ, anh chị để đưa con đi khám bệnh. Vì hơn 1 năm nay, vợ chồng em cũng lo lắng cho con nhiều lắm khi thấy con cứ mãi như một đứa trẻ 1 tuổi. Nhưng lúc ấy có chồng có vợ. Mỗi lúc buồn lo, vợ chồng em lại ôm nhau khóc vì thương con, rồi lại động viên nhau chăm sóc con.
Giờ đây, biết rõ bệnh tình của con rồi, nỗi lo thêm chồng chất nhưng em chả còn gì, chị ơi. Tại sao chồng em có thể bỏ rơi em lúc này? Tại sao một người bố có thể dứt áo ra đi khi biết cả đời con mình cần dựa vào mình? Chị bảo em phải làm sao bây giờ?
Em xin được giấu tên
Em gái yêu quý!
Nghe các câu hỏi của em, chị thực sự đau đớn quá. Nhưng em ơi, chẳng thể nào quay ngược được thời gian, giờ chỉ có cách nhìn vào thực tế để gỡ từng bước. Ít nhất, bây giờ em đã biết rõ tình trạng của con, hiểu hơn về chứng tự kỷ và được hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp, em sẽ giúp con hiệu quả hơn.
Chị không biết gì về chồng em nhưng đọc vài câu em kể là đã từng có thời gian, hai vợ chồng cùng nhau chăm sóc, lo lắng cho con, chị nghĩ người cha ấy không phải vô trách nhiệm đâu. Phản ứng bỏ đi là sự sợ hãi phải đối diện với những vấn đề mà chồng em thấy mình không thể thay đổi được, đối diện với tương lai mờ mịt.
Hãy nhờ bạn bè thân, người nhà mà chồng em tin tưởng, thậm chí nhờ cả công an tìm anh ấy để tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, chán chường, thậm chí là bế tắc để chia sẻ, động viên anh ấy vượt qua những phút rối lòng.
Gần 3 năm qua, các em đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để chăm con. Em có thể thông tin cho chị biết trong hai vợ chồng, ai là người lao động chính, kiếm tiền về lo cho gia đình, ai là người hỗ trợ con nhiều thời gian hơn hay có người thân nào giúp chăm con không. Đó là những thông tin cần thiết để phân tích, tư vấn cho em tốt hơn trong tương lai.
Chị có cơ hội tiếp xúc với nhiều gia đình có con tự kỷ. Các em có thể tư vấn bác sĩ cho việc sinh bé thứ hai. Bé sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần lớn cho vợ chồng em cũng như trở thành chất xúc tác giúp anh (chị) bị tự kỷ cân bằng, ổn định tinh thần hơn.
Nhớ viết thư cho chị để mình cùng trao đổi, chia sẻ nhé. Trước mắt còn rất nhiều khó khăn, mong em hãy bình tâm suy nghĩ và tìm cách vượt qua.