Sách VNEN: Giá thành cao, không tái sử dụng được

29/09/2018 - 21:35
Trong số SGK gây lãng phí lên đến 1.000 tỷ đồng mỗi năm do cơ quan giám sát của Quốc hội vừa công bố, sách thực nghiệm mà trong đó là sách mô hình trường học mới VNEN và tài liệu tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, chiếm giá thành cao và không thể sử dụng lại

Giật mình giá sách VNEN

Nói về thực trạng lãng phí SGK, bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, nhiều năm qua, ngoài bộ SGK GDPT 2000 (từ lớp 1 đến lớp 12) còn có sách thực nghiệm, tài liệu thí điểm cũng do NXBGD VN xuất bản, in, phát hành, phục vụ mô hình trường học mới VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (CNGD).

Giá bán 1 bộ sách VNEN cao gấp 4 lần giá 1 bộ SGK GDPT 2000 đối với sách lớp 3 và lớp 4; gấp 3 lần đối với các lớp 5,6 và 7. Ngoài ra, do sách VNEN còn thiếu một số môn nên học sinh học sách VNEN ngoài việc phải chi số tiền rất cao cho bộ sách hướng dẫn học, còn phải chi thêm tiền mua các môn còn thiếu SGK GDPT 2000.

sach_giao_khoa_oftl.jpg
Tài liệu VNEN. Ảnh minh họa 

Báo cáo của cơ quan này cũng cho thấy, tuy là sách thí điểm, nhưng hàng năm sản lượng in, phát hành sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD tăng đột biến: Năm 2017 sản lượng in, phát hành tài liệu tiếng Việt lớp 1 CNGD khoảng 5 triệu bản, tăng gần 13 lần so với năm 2012; sách VNEN là 10 triệu bản, tăng gấp 5 lần so với năm 2014. Doanh thu từ sách VNEN năm 2017, nếu tính theo sản lượng phát hành và giá bán, đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm, tương đương 1/3 doanh thu từ SGK 2000.

“Bán giá cao, nhưng sách VNEN và sách tiếng Việt lớp 1 CNGD được NXBGDVN chỉnh sửa, thay hàng năm, không sử dụng lại, gây lãng phí. Việc tổ chức thí điểm/thực nghiệm bộ sách VNEN và sách tiếng Việt lớp 1 CNGD trong nhà trường phổ thông thời gian qua cũng đang gây ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội” – bà Hoa nhấn mạnh.

Một trong những thông tin đáng chú là trong giai đoạn từ 2012 – 2017, sách VNEN vài tài liệu tiếng Việt lớp 1 CNGD không được bán trên thị trường mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con và công ty thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam thông qua Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, phòng GD&ĐT các quận/huyện/thị xã; các trường tiểu học, THCS, trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này hàng năm.

Bộ GD&ĐT nói gì?

Giải trình trước Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tài liệu VNEN có giá thành cao hơn do giấy in tốt hơn. Sách Hướng dẫn học theo mô hình VNEN được biên soạn theo Chương trình GDPT hiện hành, theo đó, học sinh sử dụng sách hướng dẫn học theo mô hình VNEN thay cho SGK hiện hành (trừ các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục).

Các bài học trong sách Hướng dẫn học theo mô hình VNEN được thiết kế thành các hoạt động học để giáo viên hướng dẫn học sinh tự lực nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức, dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh thực hành, báo cáo, thảo luận, phát triển năng lực.

hai-nguyen-sach-giao-khoa-015.jpg
Nhiều loại sách vẫn có giá thành cao khiến phụ huynh băn khoăn. Ảnh minh họa: N.H
 

“Do vậy, sách Hướng dẫn học có số trang nhiều hơn sách giáo khoa thông thường, được in 4 màu, khổ sách 19x27cm, chủng loại giấy in tốt hơn… nên có giá cao hơn sách giáo khoa thông thường khoảng 1,5 - 1,6 lần” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Còn với tài liệu TV1- CNGD, theo Bộ GD&ĐT, đây là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và từng bước phát triển, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo các kết quả nghiên cứu từ các Đề tài, Dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ và được áp dụng vào dạy học ở trường Thực nghiệm, Hà Nội.

Từ kết quả triển khai ở trường Thực nghiệm, Hà Nội, Bộ GD&ĐT đồng ý cho một số địa phương áp dụng thí điểm và đến năm học 2001-2002 đã có 43 tỉnh, thành phố tự nguyện sử dụng Tài liệu TV1-CNGD.

Tuy nhiên, ở các địa phương này, không phải 100% các trường tiểu học đều dạy Tiếng Việt lớp 1 theo Tài liệu này mà có nơi chỉ một số ít trường.

Mới đây, Bộ GD&ĐT tiến hành tái thẩm định Tài liệu TV1-CNGD và thống nhất tiếp tục sử dụng tài liệu và chương trình học, nhưng không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình GDPT mới.

Vấn đề ở chỗ, tài liệu này chưa được đưa vào dạy học như bộ SGK chính thức do tuân thủ thống nhất một bộ SGK sử dụng chính thức trong nhà trường theo Luật Giáo dục hiện hành quy định.

Do vậy, cùng với bộ SGK hiện hành, Tài liệu TV1-CNGD được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý và coi đây là một phương án để các địa phương lựa chọn triển khai phù hợp trên tinh thần tự nguyện của các nhà trường.

Theo Bộ trưởng Nhạ, vấn đề này sẽ sớm được giải quyết khi Chương trình GDPT mới được ban hành, thực hiện quy định “có một số SGK cho mỗi môn học”, tất cả các SGK đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua.

“Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng quốc gia thẩm định, Bộ sẽ phê duyệt danh mục SGK (theo Chương trình GDPT mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục sẽ được quyền lựa chọn SGK  nào phù hợp nhất để triển khai” – ông Nhạ nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm