Sẽ đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

08/08/2016 - 14:14
Quan chức Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho biết cơ quan này đang tính toán những khoản đóng bảo hiểm xã hội có thể giảm.
Nghe audio ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết: “Nước ta quy định cứng các khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động và chủ sử dụng lao động với mức đóng tương đương 32,5% lương. Đây là khoản chi phí rất lớn của các doanh nghiệp, cộng thêm phí công đoàn, đã tác động lớn tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp”.

Ông Huân cho rằng mức đóng BHXH “rất đáng suy nghĩ” do tỷ lệ đóng vốn đã cao lại phải đóng ở nền cao hơn. “Trước đây, doanh nghiệp đóng BHXH bám theo lương tối thiểu. Nay đóng theo lương cộng thêm các khoản phụ cấp, khiến tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, xu hướng tất yếu là làm giảm khả năng cạnh tranh”, ông Huân nói.

Nghe audio ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động VN

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tỷ lệ đóng BHXH của người lao động và cả chủ sử dụng “đang ở mức cao”. Hiện nay, người lao động phải đóng là 10% và chủ sử dụng lao động phải đóng 22% trên mức lương. Cộng thêm bảo hiểm y tế thì tổng số phải đóng lên tới 32,5% mức lương.

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương hiện tại, còn hơn 20% người lao động có mức thu nhập không đủ sống. Chỉ có 8% người lao động có tích lũy. Còn lại là số lao động có mức thu nhập phải chi tiêu rất dè sẻn.

 Ông Quảng cho biết trong điều kiện tiền lương thấp, mức thu nhập của người lao động chưa đảm bảo cho đời sống trước mắt nên cả doanh nghiệp và người lao động đều có nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mức đóng BHXH.

Từ 1/1 năm nay, tiền đóng BHXH được tính trên tiền lương, cấp bậc, chức vụ và phụ cấp lương. Điều này dẫn đến việc gười lao động và chủ sử dụng lao động đều muốn đóng mức thấp, bởi họ còn phải lo đời sống trước mắt, lo cho sự tồn tại của doanh nghiệp; lại phải tăng mức đóng BHXH lên. 

“Việc này ảnh hưởng xấu tới mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH”, ông Quảng nói.

Ông Quảng cho biết thêm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang xem xét, nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ có những điều chỉnh tỷ lệ đóng BHXH ở các quỹ ngắn hạn. Cụ thể như quỹ bảo hiểm cho ốm đau, thai sản, tai nạn lao động có thể xem xét giảm mức đóng ở những thời điểm nhất định.

nu-lao-dong.jpg
Lương của pần lớn người lao động chưa đủ cho mức sống tối thiểu (ảnh minh họa)

Thứ trưởng Huân cho biết nếu áp dụng giải pháp này, các quỹ BHXH ngắn hạn có nguồn thu lớn hơn chi thì có thể giảm mức đóng cho doanh nghiệp và người lao động. “Trước mắt, có thể nhìn thấy tỷ lệ đóng về bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động có thể giảm chút ít, nhưng cần có tính toán cụ thể”, ông Huân cho biết.

Theo ông Huân, vừa qua đoàn giám sát về BHXH ở các đơn vị và ghi nhận nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến thủy sản, dệt may đang gặp nhiều khó khăn. Ông Huân cho rằng tiếp tục theo dõi tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp để áp dụng tăng mức đóng BHXH trên toàn bộ thu nhập thực tế của người lao động.

Theo lộ trình đến 2018, chủ sử dụng lao động và người lao động sẽ phải đóng đủ BHXH trên tổng thu nhập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm