Ngày 27/2, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thu BHXH, BHYT năm 2019. Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: Tháng 02/2019, số người tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp trên toàn quốc ước đạt trên 110 triệu người. Trong đó, hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 200 nghìn người so với tháng 01/2019).
Trong tháng 2, BHXH tự nguyện tăng thêm được 15 ngàn người, nâng số người tham gia BHXH tự nguyện lên gần 300 nghìn người.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, ông Nguyễn Hải Thanh cho biết, Tổng Công ty Bưu điện đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thu BHXH tự nguyện năm 2019 tới tất cả Bưu điện các địa phương. Với tinh thần cố gắng hết sức, Lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu mở rộng thêm 220 nghìn đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019.
Theo thống kê, cả nước có 55 triệu người trong độ tuổi lao động, khoảng 40 triệu người chưa tham gia BHXH. Đây là dư địa rất tốt để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, số người tham gia loại hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng ít người tham gia BHXH tự nguyện bởi người lao động chưa hiểu hết và nhận thức đầy đủ về loại hình này. Cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyên chưa thật sự hấp dẫn, bởi người lao động chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi người lao động rất cần thụ hưởng các chế độ về thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ có ở BHXH bắt buộc.
Thời gian qua, ngành BHXH đã mạnh dạn kiến nghị sửa đổi chính sách để BHXH tự nguyện hấp dẫn và thu hút được người lao động hơn. Đặc biệt cần có chính sách, đa dạng loại hình và mức đóng bảo hiểm để phù hợp với mức thu nhập khác nhau của người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nghèo khu vực phi chính thức.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định: Để thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, tập trung vào công tác thu, giảm nợ BHXH; phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; quản lý cơ sở dữ liệu liên quan đến thu; kiểm soát chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho đối tượng…
Đặc biệt, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân làm đại lý thu để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Các đơn vị cũng cần tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế để đưa ra các giải pháp quản lý tốt hơn nhằm phát triển số người tham gia BHXH.
Khoản 1 Điều 87 Luật BHXH năm 2014 quy định mức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện như sau: Người tham gia BHXH tự nguyện, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Người lao động được chọn một trong những phương thức đóng: Đóng hàng tháng; 3 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần; 01 lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng hoặc 1 lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hàng tháng. Từ 1/1/2018, người tham gia BHXH sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. |