Sóc Trăng quan tâm chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào Khmer

24/11/2021 07:01
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với các giải pháp phòng, chống dịch, tỉnh Sóc Trăng phát huy tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị thực hiện đa dạng các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn, đặc biệt quan tâm chăm lo cho đồng bào Khmer.

Đa dạng các hoạt động an sinh

Sóc Trăng có hơn 35% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó nhiều nhất là đồng bào Khmer. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm, nhiều hộ DTTS có đời sống khó khăn. Phát huy vai trò khối đại đoàn kết, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm chăm lo đời sống bà con đồng bào Khmer trên địa bàn. Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, người lao động từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức những “Chuyến xe yêu thương” chuyển quà đến các xã, phường, thị trấn, gồm nhu yếu phẩm, gạo, rau củ quả… trao tặng người dân.

Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm trên 53% dân số, trong đó số người đi lao động tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… khá lớn. Những tháng qua, dịch bệnh bùng phát, khiến cuộc sống hộ dân càng khó khăn hơn nên các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp chăm lo an sinh cho người dân nơi đây. Chị Lâm Thị Tuyết Lan, ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu làm công nhân ở TPHCM nhưng đi làm được khoảng 1 tháng thì dịch bệnh bùng phát. Chị đã nghỉ việc gần 4 tháng qua, cuộc sống vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Khi trở về địa phương, chị Lan được hỗ trợ chi phí cách ly y tế, hỗ trợ nhu yếu phẩm để giảm bớt một phần khó khăn trong những ngày dịch bệnh.

Trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” và nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng đã trích nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và “Quỹ cứu trợ” để chăm lo cho người nghèo gặp khó khăn, đã trao tặng 5.700 phần quà, với tổng trị giá trên 1,7 tỉ đồng cho người nghèo trong toàn tỉnh, trong đó phần đông là đồng bào Khmer.

Sóc Trăng quan tâm chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào Khmer - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thăm và tặng quà bà con xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) trong thời điểm cách ly y tế

Bà Thạch Thị Phal, ở Phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, sống bằng nghề làm thuê, mấy tháng nay do dịch bệnh nên không có việc làm. Khi nhận được phần quà từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tôi rất vui, giúp gia đình tôi giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống”.

Cùng người nghèo vượt khó

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, đã có trên 50.000 người là lao động tại các tỉnh, thành khác trở về địa phương, trong đó có rất đông là người DTTS, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Trước thực tế việc làm, thu nhập, cuộc sống của người lao động hồi hương, các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, tổ chức rà soát, hỗ trợ an sinh; kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn không đứng ngoài cuộc, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động.

Ông Mã Chí Thanh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng cho biết: “Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giải quyết việc làm, học nghề và phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp để kết nối với các doanh nghiệp tổ chức tiếp nhận người lao động trở về địa phương làm việc để giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Theo ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), từ ngày 25/10, công ty đã thông báo tuyển dụng lao động. Trong đợt đầu, công ty tuyển 500 lao động. Những lao động có tay nghề, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ mức lương mỗi tháng từ 7 triệu đồng. Với lao động chưa có tay nghề, công ty sẽ đào tạo.

Theo ông Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ban Dân tộc đã thực hiện tốt vai trò tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; các chương trình, chính sách dân tộc đã được triển khai thực hiện có hiệu quả như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS; chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo đã phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 7.742 lượt hộ (trong đó 2.128 hộ DTTS); phát vay cho 187 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để trang trải học phí; cho vay giải quyết việc làm được 1.241 hộ (158 hộ DTTS), kinh phí thực hiện 44.941 triệu đồng; cho vay xuất khẩu lao động là 5 người (1 hộ DTTS), với tổng kinh phí là 468 triệu đồng; thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6-3-20218 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí thực hiện là 2.589,444 triệu đồng. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã từng bước góp phần thay đổi diện mạo mới cho các xã đặc biệt khó khăn; các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh...

Nhờ được thụ hưởng các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng các công trình dân sinh, phát triển sản xuất, chính sách đặc thù hỗ trợ phát tiển kinh tế - xã hội vùng DTTS, chính sách về giáo dục - đào tạo, y tế và các chính sách dân tộc khác được triển khai, cuộc sống của bà con vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người DTTS, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa phương với phát triển chung của tỉnh, công tác giảm nghèo đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân 3,5 - 4%/năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.