Sức quyến rũ của mua hàng trực tuyến

05/11/2015 - 11:04
Mặc dù dùng internet để cập nhật thông tin vẫn là mục đích sử dụng hằng ngày phổ biến nhất, chiếm 93%, song hoạt động mua bán trực tuyến mới chính là lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ nhất hiện nay trên internet ở Việt Nam.
MÔI TRƯỜNG shopping LÝ TƯỞNG
“Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết lo ngại của khách hàng trong thời gian qua như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… được coi là lý do góp phần thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục của mua sắm trực tuyến tại Việt Nam”, ông Arn Vogels, Trưởng đại diện và giám đốc khu vực Đông Dương của MasterCard, nhận định.
Kết quả khảo sát mới nhất về mua sắm trực tuyến năm 2014 của MasterCard cho thấy, tỉ lệ người Việt Nam mua sắm trực tuyến đang tăng rất nhanh so với các quốc gia trong khu vực. Có tới hơn 2/3 số người tham gia khảo sát (67,6%) nói rằng mua sắm trực tuyến là một trong những lý do khiến họ thường xuyên truy cập internet, tăng 13,8% so với năm 2013.

Số người tham gia mua bán trực tuyến ở Việt Nam tăng và mức độ hài lòng cũng tăng lên theo

Hàng không, các sản phẩm điệu tử gia dụng và du lịch là 3 lĩnh vực hàng đầu mà người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên chi tiền nhiều nhất khi họ mua sắm trực tuyến.
Vậy, điều gì đã khiến hình thức mua hàng trực tuyến trở nên hấp dẫn với người Việt đến vậy? Theo khảo sát của MasterCard, mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam khi mua sắm trực tuyến là do uy tín của một trang web (83,8%), kế đến là các phương thức thanh toán tiện lợi (81%) và chính sách hoàn trả hay đổi hàng (81%). Đáng chú ý, sự hài lòng của người tiêu dùng Việt Nam đối với mua sắm trực tuyến đã tăng 7,4% so với năm 2013, với 62,1% số người tham gia khảo sát. Dự báo trong thời gian tới, kênh mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục thu hút thêm nhiều người Việt, với mức tăng trưởng tăng thêm khoảng 1,6% so với hiện nay - mức tăng trưởng hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc (96,4%).
Bên cạnh đó, thương mại di động cũng đang đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ. So với những năm trước, có nhiều người đã thực hiện giao dịch mua sắm bằng điện thoại di động trong hơn 3 tháng qua, tăng từ 34,9% năm 2013 lên 45,2% trong năm 2014.
 
VẪN CÒN NHỮNG LO NGẠI
Mặc dù Báo cáo Thương mại Điện tử 2014 do Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, vừa công bố cho thấy, có tới 58% người truy cập internet ở Việt Nam đã mua sắm trực tuyến, song theo kết quả điều tra, người Việt Nam vẫn chủ yếu mua sắm qua mạng với hàng hóa có giá trị không cao. Cụ thể, 40% người mua hàng trực tuyến trả lời chỉ mua dưới 5 sản phẩm trong năm 2014, 29% mua từ 5 đến 10 sản phẩm, 17% mua trên 15 sản phẩm. Trong đó, giá trị sản phẩm được chọn mua nhiều nhất là mức từ 1 đến 3 triệu đồng (chiếm 29%), mức trên 5 triệu đồng với 26% người chọn mua, mức được ít người chọn mua nhất là từ 3 đến 5 triệu đồng (với 11%).

 Thái độ của khách hàng trực tuyến vẫn khá dè dặt và thường dừng lại ở những mặt hàng giá trị thấp

Tại sao lại vẫn tồn tại thái độ dè dặt trong người tiêu dùng Việt Nam khi mua sắm trực tuyến như vậy? Theo nhận định của giới chuyên gia cũng như kết quả một số khảo sát cho thấy, vấn đề sản phẩm kém chất lượng, hoặc không đúng với những gì đã được quảng cáo vẫn tiếp tục là trở ngại hàng đầu khiến người tiêu dùng quan ngại trong mua sắm trực tuyến (chiếm 81%). Tiếp đến là trở ngại về dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu (51%), giá cả không thấp so với mua trực tiếp/hoặc giá cả không rõ ràng (46%), thông tin cá nhân bị tiết lộ (42%) và website thiết kế chưa chuyên nghiệp (29%).
Cũng có khá nhiều người tiêu dùng còn nặng tâm lý nghi ngại hoặc lưỡng lự khi tiếp cận với các gian hàng trực tuyến. Trong đó, các lý do nổi bật nhất phải kể đến: Khó kiểm định chất lượng hàng hóa (78%), không tin tưởng người bán hàng (57%), không có đủ thông tin để ra quyết định (46%), không có thẻ tín dụng hoặc các loại thẻ thanh toán qua mạng (42%), cảm thấy mua ở cửa hàng dễ dàng và nhanh hơn (38%), cách thức mua hàng trực tuyến quá rắc rối (26%).
Nguyên nhân chính là do hành lang pháp lý đối với các hình thức thương mại điện tử, mua bán trực tuyến ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều kẽ hở, bị một số đối tượng làm ăn bất chính tập trung khai thác, lợi dụng và trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, 97% số người tham gia khảo sát cho biết vẫn tiếp tục sử dụng hình thức mua hàng qua mạng trong tương lai, tỉ lệ này đã tăng đáng kể so với con số 88% của năm 2013.
 

Năm 2014, người Việt Nam đã mua sắm 2,97 tỉ USD hàng hóa qua môi trường internet. Bên cạnh đó, có tới 58% người truy cập internet ở Việt Nam đã mua sắm trực tuyến. Theo MasterCard, tỉ lệ người Việt Nam mua sắm trực tuyến trong vòng 3 tháng cuối năm 2014 đã tăng từ 68,4% lên 80,2%, đạt mức gia tăng cao thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm