Sức sống mới ở nơi tái định cư Thủy điện Lai Châu

10/06/2021 08:56
Niềm vui của phụ bản Bó (xã Mường Tè) khi đường nội bản được bê tông hóa, giúp đi lại thuận lợi

Niềm vui của phụ bản Bó (xã Mường Tè) khi đường nội bản được bê tông hóa, giúp đi lại thuận lợi

Từ khi đến nơi ở mới để tránh ngập khi xây dựng Thủy điện Lai Châu, cuộc sống của người dân các xã: Kan Hồ, Nậm Khao, Mường Tè và thị trấn Mường Tè (Lai Châu) đã đổi khác. Cuộc sống đổi thay, niềm tin giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước càng được nâng lên.

Xây dựng bản làng giàu đẹp


Đến thăm các bản tái định cư của người: Thái, Cống, Hà Nhì, Si La, La Hủ ở Mường Tè, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang xuất hiện. Đó là cảnh người dân cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, đoàn kết, giúp nhau trong phát triển kinh tế, con trẻ được đến trường.


Rời xa nơi chôn nhau cắt rốn đến nơi ở mới, người dân vẫn lạc quan cùng chính quyền địa phương xây dựng bản làng giàu đẹp, văn minh. Anh Hù Chà Hùng, bản Sì Thâu Chải (xã Kan Hồ) vui mừng cho biết: Xa nơi mình sinh ra, dân bản ai cũng buồn lắm những vì dòng điện của Tổ quốc, người dân chấp nhận hy sinh cái lợi nhỏ để được cái lớn hơn.


"Tại nơi ở mới, người dân trong bản tích cực khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất, tập trung phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Riêng tôi vay vốn đầu tư làm trang trại nuôi gia cầm, học hỏi kiến thức tại các lớp dạy nghề nên chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng, cuộc sống khá giả hơn trước", anh Hù Chà Hùng cho biết.


Năm 2011, Thủy điện Lai Châu bắt đầu xây dựng, mực nước dòng sông Đà dâng lên, bà con sống ở 11 bản, 2 khu phố ở Mường Tè gần ven sông phải chuyển đến nơi ở mới để tránh ngập. Lúc đầu người dân không muốn rời xa quê cha đất tổ đến một nơi xa lạ vì đã quen với từng cái cây, ngọn cỏ, từng lối đi, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, nét văn hóa nhưng với sự động viên, khích lệ, tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, bà con thay đổi nhận thức tin tưởng vào chủ trương của Đảng mà dỡ nhà cửa, chuồng trại dẫn theo gia đình đến khai phá vùng đất mới.


Sức sống mới ở nơi tái định cư Thủy điện Lai Châu - Ảnh 1.

Đường ở các bản xã Kan Hồ cũng được bê tông hóa


Với mục tiêu để người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn nơi cũ, ngoài xây dựng kết cấu hạ tầng từ: Đường xá, trường học, trạm y tế, điện lưới... UBND huyện Mường Tè còn quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân huyện phối hợp với chính quyền cơ sở nơi tái định cư vận động bà con khai hoang thêm đất sản xuất, cải tạo các bãi chăn thả, áp dụng các mô hình kinh tế vào sản xuất. Huyện còn thường xuyên cử cán bộ đến kiểm tra các công trình dân sinh để đảm bảo phục vụ cho bà con.


Trên diện tích sản xuất nông nghiệp gần 500 ha, các giống cây lương thực có chất lượng cao được đưa vào trồng thay thế các giống cũ địa phương. Bà con tích cực cày cấy, chăm sóc mùa màng. Đến vụ thu hoạch, những cánh đồng lúa, nương ngô đạt năng suất từ 50-30 tạ/ha. Người dân còn tận dụng diện tích giữa 2 mùa vụ để trồng rau xanh, không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm trong mỗi bữa ăn mà còn là một nguồn thu nhập cho bà con.


Tích cực xây dựng đời sống văn hóa


Người dân ở khu tái định cư còn quy hoạch các bãi chăn thả gia súc với quy mô hơn 100 con/bãi, xây dựng chuồng trại nuôi nhốt, trồng cỏ voi. Bên cạnh đó, bà con dân bản còn tận dụng diện tích mặt hồ để nuôi cá lồng, tham gia trồng cây công nghiệp, dược liệu, ăn quả, phát triển rừng. Nhiều hộ còn mở cửa hàng kinh doanh thương mại-dịch vụ, làm các sản phẩm truyền thống để bán.


Anh Chang Văn Tân, bản Lãng Phiếu (xã Nậm Khao) cho hay: Đến nơi ở mới, bà con dân bản không chỉ được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất mà còn được tạo nhiều điều kiện trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bản tôi có 143 hộ, hiện nay tỉ lệ hộ nghèo còn 20% giảm gần 60% so với khi ở nơi cũ. Là trưởng bản, tôi thường xuyên nhắc nhở bà con tuân thủ các quy định của pháp luật.


Sức sống mới ở nơi tái định cư Thủy điện Lai Châu - Ảnh 2.

Người dân Mường Tè tập trung phát triển rừng để tạo thu nhập


Cuộc sống của bà con đổi thay, có nơi tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%. Trường học được xây dựng, con trẻ không còn phải bỏ học theo cha, mẹ lên nương rẫy mà được đi học con "chữ", học cách làm người. Ở mỗi bản của khu tái định cư còn xây dựng từ 2 đến 3 công trình nước sinh hoạt, hộ nào có điều kiện thì mua ống, lắp đặt công tơ nước, còn điện lưới được kéo đến từng hộ, đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân.


Người dân còn tích cực xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự. Vào các ngày lễ hội, Tết, bà con dân bản mặc áo truyền thống, mang trống, chiêng để múa hát, giao lưu văn nghệ. Còn lớp trẻ cùng nhau chơi các môn thể thao dân tộc, không còn cảnh đàn đúm rượu chè, cờ bạc như trước. Ngoài ra, bà con còn thường xuyên vệ sinh môi trường để gìn giữ bản làng sạch đẹp.


Theo UBND huyện Mường Tè, để cuộc sống của người dân ở nơi tái định cư tốt hơn, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng vào sản xuất để tạo kế sinh nhai, thường xuyên mở các lớp dạy nghề, quan tâm đến chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Qua đó giúp bà con ổn định hơn cuộc sống.


Hiện cuộc sống của người dân ở nơi tái định cư đã đổi thay, đó là nhờ sự quan tâm đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tin rằng ở nơi mới, người dân cùng nhau đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.