Suýt bị lũ cuốn trôi trong một lần đến lớp, cô giáo vẫn quyết gắn bó cả đời với học sinh vùng cao

04/10/2021 08:13
Cô Hòa nguyện gắn bó cả đời với học sinh vùng cao

Cô Hòa nguyện gắn bó cả đời với học sinh vùng cao

Một hôm, mưa to nước lũ dâng cao, cô Ngô Thị Hòa đến trường và phải đi bằng mảng qua suối. Khi cô sang đến gần bờ bên kia thì mảng bị đứt dây. Cô bị rớt xuống suối nhưng may bám được vào cành cây ổi nên lên được bờ...

Cô giáo Ngô Thị Hòa đã coi ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Liền như ngôi nhà thứ hai của mình, để mỗi ngày dành trọn tâm huyết dạy dỗ học sinh nơi đây.

Cô Ngô Thị Hòa sinh năm 1977 tại xã Trực Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Bố mẹ cô Hòa sinh nhiều con và đều là nông dân nên gia cảnh rất khó khăn. Dù vậy, bố mẹ cô vẫn động viên con cái cố gắng học hành. Thuở nhỏ, Hòa vừa học, vừa giúp bố mẹ làm ruộng.

Tuổi thơ vất vả cũng qua đi, Hòa học hết trung học phổ thông và theo học ngành Sư phạm tại tỉnh Lào Cai. Ra trường, cô giáo trẻ được phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà (Lào Cai) tiếp nhận giảng dạy tại trường Tiểu học Tả Củ Tỷ, cách trung tâm huyện 48km vào năm 1998. Tại đây, cô gặp gỡ và kết duyên với thầy Hà Tiến Vinh.

"Vợ chồng tôi muốn cống hiến hết cuộc đời dạy học ở vùng cao" - Ảnh 1.

Cô giáo Ngô Thị Hòa trong giờ lên lớp

Năm 2002, vợ chồng cô được phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà điều động đến dạy tại trường Tiểu học Bản Già, cách trung tâm huyện 32km. Đến năm 2004, cô được điều động về dạy tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Liền. Từ đó đến nay, đã 17 năm cô gắn bó với ngôi trường này.

Trong suốt những năm tháng ấy, đôi chân cô không biết đã đi mòn hết bao nhiêu đôi dép để đến từng nhà gọi học sinh đến lớp. "Năm 1998, mình về dạy tại trường Tiểu học Tả Củ Tỷ. Trường thuộc xã vùng sâu và khó khăn nhất của huyện Bắc Hà. Trường cách huyện 48km nhưng phải đi bộ khoảng 25km. Các em học sinh đều là người dân tộc thiểu số, mình lại không biết tiếng dân tộc. Vì thế, mình đã cố gắng để học tiếng dân tộc và động viên học sinh đến trường để học chữ", cô Hòa nhớ lại.

"Vợ chồng tôi muốn cống hiến hết cuộc đời dạy học ở vùng cao" - Ảnh 2.

Thầy Hà Tiến Vinh, chồng cô Hòa cũng dạy khối Tiểu học của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Liền

Nhưng có lẽ, kỷ niệm sâu sắc nhất với cô Hòa là vào năm học 2005-2006, vợ chồng cô dạy ở phân hiệu Xà Phìn của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Liền. Hàng ngày đi làm, cô phải đi bộ 6km và vượt qua con suối to, sâu mà không có cầu, phải đi bằng mảng (được làm bằng những cây mai kết vào nhau). Mùa khô thì đỡ nguy hiểm, còn mùa mưa thì nước lũ rất to.

Một hôm, mưa to nước lũ dâng lên cao, một mình cô đi trên mảng sang đến gần bờ bên kia thì bị đứt dây mảng. Cô bị rớt xuống suối nhưng may bám được vào cây ổi mọc cạnh bờ suối nên lên được bờ. Lúc đó người cô ướt hết nhưng vẫn tiếp tục đi 2km đến nhà dân, mượn quần áo của người dân rồi đi tiếp 1km nữa mới tới trường dạy học.

"Lên đến nơi, trường không có một học sinh nào vì mưa to, gió lớn nên các em cũng không đến lớp được. Còn tôi thì không xin nghỉ được vì ngày đó chưa có điện thoại, sợ cấp trên phê bình nhắc nhở lên vẫn cố đến trường. Đến tối, chồng, con không thấy tôi trở về nên đi tìm và nhờ người đi tìm cũng không thấy nên nghĩ là tôi chết đuối rồi. Lần ấy, tôi phải ở nhờ nhà người dân 2 ngày, đến ngày thứ ba, tôi mới về được. Chồng con nhìn thấy tôi trở về mừng chảy nước mắt", cô Hòa kể.

Theo cô Hòa, những khó khăn đó không làm vợ chồng cô nản lòng mà cả hai luôn nghĩ tới việc phải khắc phục để mang cái chữ đến cho các em học sinh dân tộc vùng cao, để sau này các em có cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc hơn.

"Vợ chồng tôi muốn cống hiến hết cuộc đời dạy học ở vùng cao" - Ảnh 5.

Cô Hòa luôn mong muốn truyền tải nhiều hơn nữa kiến thức cho học sinh người dân tộc thiểu số

Gắn bó với núi rừng hơn 20 năm, cô Hòa coi mảnh đất này là nhà, coi mỗi học sinh là một đứa con để mà dạy dỗ, truyền đạt, mong sao các con như những cánh chim đủ lớn để bay khắp đại ngàn.

Không chỉ được học trò yêu quý, cô Hòa còn được đồng nghiệp và bạn bè yêu mến, được cấp trên quan tâm và tạo điều kiện để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm. Nhiều năm liền, cô đều hoàn thành xuất sắc công việc giảng dạy, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm học 2020-2021, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhưng cô tâm sự, "danh hiệu" lớn nhất đời cô là danh hiệu "Nhà giáo" mà cô luôn mãi tự hào.

"Vợ chồng tôi muốn cống hiến hết cuộc đời dạy học ở vùng cao" - Ảnh 7.

Cô Hòa đã có hơn 20 năm gắn bó với học sinh vùng cao

Vợ chồng cô Hòa có 2 người con, gia đình rất êm ấm và hạnh phúc, giúp cô yên tâm dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp "đưa đò". Các con của cô đều chăm ngoan học giỏi, một bé là học sinh lớp 3 và một đã là sinh viên năm thứ 2 đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Chia sẻ về hành trình mang cái chữ về bản, cô Hòa tâm sự: "Vợ chồng tôi muốn gắn bó cuộc đời còn lại ở mảnh đất này để dạy chữ cho học sinh. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm luôn quan tâm giúp đỡ các em học sinh, cũng như giáo viên vùng cao, để thầy và trò có thêm điều kiện dạy và học tập được tốn hơn".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn