Tác giả ca khúc ‘19 tháng 8’ qua ký ức người con trai út

20/08/2015 - 15:57
Ca khúc nổi tiếng là thế nhưng nhạc sĩ Xuân Oanh hiếm khi kể lại với con cháu, bởi: “Nếu không phải là cha, chắc chắn cũng có người khác viết nên ca khúc ấy”.
Anh Đỗ Lê Chi, con trai của cố nhạc sĩ, nhắc lại lời cha mình từng nói: “Đó là tiếng lòng của cả dân tộc trong thời khắc lịch sử. Bài hát ấy thuộc về lịch sử”.
 
Anh Lê Chi kể, những năm còn tại thế, mỗi khi loa đài phát lên giai điệu quen thuộc, gia đình thấy ông rất vui. Có lẽ bởi từng giai điệu, ca từ đã gợi lại một thời trai trẻ oanh liệt của ông.

Ca khúc “19 tháng Tám” được nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác trong khí thế sục sôi, khi cả rừng người hô vang khẩu hiệu tiến về quảng trường Nhà hát Lớn vào ngày 19/8/1945.

Sáng tác được câu nào, ông hát vang câu ấy để mọi người hát theo. Khi đoàn người đến Nhà hát Lớn thì câu hát cuối cùng cũng được hoàn thành. Ông ghi vội trên những mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá.

Chỉ trong buổi chiều, bài hát được truyền đi khắp cả nước. Đến bây giờ ca khúc đã trở thành giai điệu quen thuộc mỗi độ thu về.

Khi vợ - bà Xuân Uyên qua đời, nhạc sĩ Xuân Oanh không khóc nhưng lòng ông đã đi theo bà mất rồi.
Luôn tôn trọng con
 
Trong trái tim người con trai út, nhạc sĩ Xuân Oanh là một người cha tôn trọng con cái tuyệt đối. Trước kia, khi anh muốn thi vào đại học địa chất, mẹ anh, bà Xuân Uyên, nhất quyết phản đối vì sợ con vất vả. Ông Xuân Oanh chỉ im lặng ngồi nghe. Mấy hôm sau, ông mua tặng con vài cuốn sách về địa chất. Bà Xuân Uyên cáu lắm, vì nghĩ chồng đã “tiếp tay” cho con. Ông buông một câu: “Thôi, tôn trọng con”.

Một lần khác, anh muốn bố mẹ đến nhà bạn gái (nay là vợ) thưa chuyện. Mẹ anh nghe nói nhà “con dâu tương lai” ở tận Đại Mỗ, Từ Liêm (khi ấy là ngoại thành Hà Nội) liền phản đối quyết liệt. Thuyết phục mẹ không được, Lê Chi buồn bã dắt xe đi làm. Ra đến đầu ngõ, anh thấy bố đã đợi sẵn. Ông bảo, cuối tuần ông sẽ đi cùng anh. Biết nhà cô gái không khá giả, ông ăn vận đơn giản, đến nơi, ông cũng “rít” thuốc lào sòng sọc, thăm thú vườn tược... khiến bố mẹ cô gái cảm thấy vô cùng gần gũi.

Sau buổi gặp mặt, không biết ông nói gì mà bà Xuân Uyên nhẹ nhàng chấp thuận. Đám cưới diễn ra, tự tay cố nhạc sĩ vẽ, trang trí phông màn đám cưới cho con. Đó là việc ông luôn tự tay làm trong đám cưới của cả 3 người con trai của mình. Tuy hành động đó xuất phát từ việc tiết kiệm chi phí nhưng đã để lại cho các con ý nghĩa lớn lao vô cùng.

Tình ca trong chiếc bánh mỳ

Anh Lê Chi rất nể phục tình yêu bố dành cho mẹ. Thuở yêu nhau, bố mẹ anh đóng quân ở hai nơi cách nhau tới 90km. Muốn gặp người yêu, mỗi lần ông phải “cuốc bộ” 180km cả đi lẫn về. Chỉ nói được dăm ba câu chuyện, ăn cùng nhau cốc chè mà lòng ông hạnh phúc vô bờ.

Khi bà Xuân Uyên bị địch bắt, tra tấn, thương người yêu mà chẳng thể làm gì, ông viết tặng bà bài hát da diết tình cảm “Tháng Sáu, Uyên ơi”. Ông nhồi sâu vào ruột bánh mỳ, nhờ người mang vào cho bà. Ngay sau khi bà thoát nạn trở lại chiến khu, ông bà đã tổ chức đám cưới.

Những năm cuối đời, bà Xuân Uyên bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng do ảnh hưởng từ đòn tra tấn dã man trong tù. Bà thường xuyên bỏ nhà đi, thậm chí có ý định tự sát. Anh Lê Chi nhớ lại, có một lần, cả nhà đang chuẩn bị đón giao thừa thì bà bỏ đi. Cả nhà tán loạn đi tìm. Quá nửa đêm bà trở về. Lúc đó, ông chỉ nhẹ nhàng hỏi han. Điều lạ là kể cả những lúc tâm lý của bà bất ổn nhất, ông cũng không bao giờ cáu gắt. Ông như một người y tá cần mẫn chăm sóc vợ, kể cả những yêu cầu vô lý.

Khi bà Xuân Uyên mất, cố nhạc sĩ không ăn không ngủ trong nhiều ngày. Ông gầy rộc đi. Ban đêm, Lê Chi thấy bố chỉ ngồi một chỗ, chăm chăm ngắm di ảnh mẹ. Ông không khóc nhưng anh đủ hiểu lòng bố đã đi theo mẹ mất rồi.

Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) tên đầy đủ là Đỗ Xuân Oanh. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ông từng làm việc cho báo Cứu quốc.

Ông biết 7 thứ tiếng và từng là phát thanh viên chương trình Tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 1951, ông tham gia thành lập Uỷ ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam và giữ chức Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Xuân Oanh đã để lại trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam dấu ấn sâu sắc bằng các tác phẩm: “Quê hương anh bộ đội”, “Ca mừng chế độ ta tươi đẹp”, Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao”...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm