Tại sao phụ nữ giúp việc gia đình né tránh ký kết hợp đồng lao động?

21/11/2018 - 10:53
Hợp đồng lao động bằng văn bản nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và chủ sử dụng lao động về thỏa thuận tiền lương, chế độ an sinh xã hội; tuy nhiên phần lớn nữ lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức lại rất ngại ngần nhắc tới vấn đề này.

Chị Nguyễn Thị Lộc, quê ở Nghi Xuân (Thanh Hóa) làm nghề giúp việc gia đình tại khu Royal City – phường Thượng Đình (Hà Nội) đã 5 năm và từng chuyển qua làm cho nhiều gia đình khác nhau. Tuy nhiên, chị Lộc cho biết chưa bao giờ đặt bút ký bản hợp đồng lao động nào với chủ nhà. Toàn bộ thỏa thuận về lương thưởng, chế độ nghỉ ngơi, lễ tết, ốm đau… đều được 2 bên thống nhất bằng… miệng.

Theo chị Lộc, nghề giúp việc vốn rất đặc thù là sống cùng với chủ nhà như một thành viên trong gia đình. Vì vậy, mối quan hệ làm công nhưng chủ yếu dựa trên “lòng tin” là chính. Trên thực tế, có những lúc xảy ra mâu thuẫn, cãi vã không thể thỏa thuận được, theo chi Lộc, “cũng không có cơ sở nào để mà đối chất. Thôi thì cả người giúp việc và gia chủ cùng chịu thiệt, đành… tặc lưỡi cho qua và tìm kiếm nơi làm việc mới”.

Khi được hỏi về ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động, chị Lộc cho biết bản thân chị và phần lớn chị em làm lao động tự do rất “ngại” ký hợp đồng bằng văn bản, bởi chưa thật sự hiểu hết những lợi ích; cũng như ngại với sự ràng buộc "giấy trắng mực đen" và những vấn đề liên quan tới pháp luật.

Ngày 20/11, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng – GFCD phối hợp với Mạng Hành động vì lao động di cư Mnet tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả Nghiên cứu “Đóng góp của lao động di cư trong nước vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”, tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng LIGHT- cơ quan điều phối mạng lưới M.net, cho rằng hợp đồng lao động là quyền của tất cả người lao động. Việc thực thi chưa tốt những quy định liên quan tới ký kết hợp đồng lao động, trước tiên phải nói tới ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt.

giup-viec-gia-dinh.jpg
Không ký kết hợp đồng lao động, nữ giúp việc gia đình sẽ không được đảm bảo quyền lợi vè lương thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa

Đặc biệt, ý thức của người lao động về quyền của mình, nên phần lớn lao động giúp việc gia đình không yêu cầu thực hiện quyền đó. Trên thực tế, rất nhiều chị em lao động di cư còn tìm cách… né tránh tất cả những vấn đề về mặt pháp lý để giảm thiểu chi phí. Trong khi họ không hiểu đó chính là cơ sở pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho cả 2 bên người lao động và chủ sử dụng.

Bộ luật Lao động đã quy định khá một số nội dung liên quan tới người giúp việc gia đình, trong đó có việc ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Giang, lỗ hổng khá lớn là về vấn đề giám sát thực thi luật. Hiện nay rất thiếu bộ máy giám sát, đặc biệt ở xã phường chỉ có 1 cán bộ phụ trách về lao động, nhưng có tới vài ngàn lao động giúp việc. Trong khi đó, đặc thù của nghề giúp việc lại ẩn sâu trong mỗi gia đình.

Chính vì vậy cần phải có giải pháp tổng thế là phối hợp, từ người dân trong tổ dân phố, tổ trưởng dân phố, chính chủ sử dụng lao động và người giúp việc… đều được nâng cao nhận thức về việc ký kết hợp đồng lao động để đảm bảo được những quyền lợi, về an sinh xã hội… 

Bộ luật Lao động và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, trong đó quy định lao động là người giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng lao động; quy định cụ thể về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; an toàn vệ sinh lao đông; giải quyết tranh chấp lao động… nhằm đảm bảo quyền lợi của cả chủ sử dụng và lao động giúp việc gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm