Với nhiều nỗ lực, nhiều hộ dân ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đã tận dụng sản vật có sẵn tại địa phương và nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày để phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, đã góp phần giúp nhiều chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tận dụng sản vật địa phương, khai thác nét văn hóa đặc sắc để vươn lên thoát nghèo

Với nhiều nỗ lực, nhiều hộ dân ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đã tận dụng sản vật có sẵn tại địa phương và nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày để phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, đã góp phần giúp nhiều chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

So với 1 năm trước đây, ngôi nhà sàn của chị Vàng Thị Cân, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà như được khoác một tấm áo mới, từ cảnh quan, bài trí đến những vật dụng tiện nghi như hệ thống nước nóng lạnh, mạng internet… Tất cả nhờ chị đã mạnh dạn chuyển hướng, "mở cửa" để ngôi nhà thân thương – nơi ba thế hệ người Tày sinh sống trở thành homestay đón khách và kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng.

Bản Liền nằm trên tuyến đường nối giữa Bắc Hà với huyện Xín Mần (Hà Giang), có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homesay, nhất là loại hình du lịch miệt vườn thăm đồi chè Shan tuyết cổ thụ, thưởng thức hương vị chè, thăm rừng cọ, ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh hùng vĩ, khám phá bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc… Đây là những lợi thế đang được nhiều hộ gia đình trong xã tận dụng để mở ra một hướng đi mới mang theo những hy vọng phát triển kinh tế tại địa phương.

Đưa công nghệ số lên bản, phát triển kinh tế từ tài nguyên núi rừng - Ảnh 1.

Chị Vàng Thị Cân, xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)

Từ một ngôi nhà sàn có vi trí đẹp, nằm giữa lưng chừng đồi, phía sau nhìn ra rừng quế xanh ngút ngàn, trước mắt là ruộng bậc thang và những vạt hoa luôn rực rỡ sắc màu, homestay của gia đình chị Vàng Thị Cân là một trong những điểm nhấn của du lịch cộng đồng tại Bản Liền.

Ngôi nhà sàn được chị và chồng - anh Lâm A Nâng bắt tay chỉnh trang để làm homestay từ tháng 7/2019. Bắt đầu từ những cuộc họp về phát triển nông nghiệp, chị Vàng Thị Cân được khuyến khích đăng ký làm nông nghiệp sạch, cung cấp thực phẩm an toàn phục vụ du lịch. 

Đưa công nghệ số lên bản, phát triển kinh tế từ tài nguyên núi rừng - Ảnh 2.

Vợ chồng Vàng Thị Cân chăm chút cho homestay của gia đình

Họ tự tay chà ráp lại từng thanh gỗ để nhà sạch sẽ mà vẫn giữ được nét cổ đặc trưng của ngôi nhà đồng bào dân tộc Tày; tự đi chở xi măng, gạch, gỗ về làm lại sân, khu vệ sinh… Tranh thủ lúc đi làm có mạng internet, chị Cân còn vào Youtube tìm mẫu để làm theo. Rồi nghe góp ý của du khách, của những người xung quanh, anh chị trồng thêm hoa, thêm các chi tiết trang trí sao cho gần gũi với thiên nhiên và phù hợp với khung cảnh xung quanh. 

Đến nay, Bản Liền homestay của chị có thể đón khoảng 50 khách ăn trưa và đón khoảng 20 khách nghỉ qua đêm. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư nuôi ngựa bạch, trồng chè, trồng quế và các công việc khác để phát triển kinh tế gia đình.

Đưa công nghệ số lên bản, phát triển kinh tế từ tài nguyên núi rừng - Ảnh 3.

Không gian ấm cúng của Bản Liền homestay

Tận dụng công nghệ số để "hút" khách

Homestay hoàn thành cuối năm 2019, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều dự định đón khách không được như kỳ vọng. Nhưng không vì thế mà chị Vàng Thị Cân nản chí. Không ngừng nỗ lực, chị Cân đã tự học cách chụp ảnh, tham gia mạng xã hội để đăng bài giới thiệu về homestay cũng như cuộc sống của gia đình và bản làng. 

Chị hào hứng khoe: Ngoài Facebook, Zalo, mình biết sử dụng cả Tiktok để giới thiệu về du lịch Bản Liền. Mình cũng đang làm quen với các trang đặt phòng online để trao đổi với khách hàng. Những lúc rảnh, mình thường xuyên vào mạng để nhắn tin, hỏi thăm và trò chuyện với những khách đã đến và nghỉ tại gia đình.

Bản Liền homestay (đội 3, xã Bản Liền) là địa chỉ ghé thăm của nhiều du khách khi đến huyện Bắc Hà

Chăm chút hàng ngày cho homestay, cộng với những hoạt động bước đầu trên nền tảng số, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song chị Vàng Thị Cân đã đón được những đoàn khách trong và ngoài tỉnh Lào Cai đến trải nghiệm.  

Biến sản phẩm thường ngày thành "đặc sản" du lịch

Trước đây, gia đình anh Lâm A Nâng và những người dân tộc Tày làm du lịch cộng đồng tại xã Bản Liền chưa bao giờ nghĩ rằng việc làm một ống cơm lam ăn tối, cạo sắn giã bánh làm một món ăn chơi những ngày đông lạnh hay vác vợt ra những khúc suối quanh nhà để vớt cá về làm món ăn, thậm chí khó nhọc leo lên đồi cao hái những gùi chè lại có thể trở thành một sản phẩm bán cho khách du lịch để thu tiền. 

Họ cho rằng sắn ngoài nương, cá ngoài suối, gạo nếp trong bồ là những thứ có sẵn, là thực phẩm thường ngày của họ và nếu như khách du lịch có đến với Bản Liền, họ sẽ coi đó là khách quý để tiếp đãi các món ăn khác, chứ không phải là những sản vật trên.

Đưa công nghệ số lên bản, phát triển kinh tế từ tài nguyên núi rừng - Ảnh 5.

Cuộc sống ngày thường được đổi mới thành sản phẩm du lịch

Nhờ có sự hỗ trợ từ dự án Nâng cao kinh tế và vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà do Trung tâm phát triển Kinh tế Nông thôn – CRED (thực hiện với sự tài trợ của Aus4Equality GREAT), vợ chồng chị Vàng Thị Cân hoàn thiện thêm dịch vụ lưu trú của mình như: Cải tạo cảnh quan, lắp đặt hệ thống mạng internet, tham gia các khóa đào tạo kỹ năng, mở thêm dịch vụ trải nghiệm cho du khách như tham quan các hộ gia đình làm nghề truyền thống tại bản, hái chè, hái giảo cổ lam, tắm lá chè hoặc lá thuốc dân tộc…

Du khách thích thú với các hoạt động thường ngày của đồng bàodân tộc Tày

Chị Vàng Thị Cân chia sẻ: Dự án đã giúp người dân làm du lịch cộng đồng Bản Liền hiểu rằng, chính những hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời thường gần gũi, mang đậm bản sắc của người Tày nơi đây mới là những thứ mà du khách mong muốn được trải nghiệm.

Biết khai thác những tiềm năng của núi rừng, với sự hỗ trợ từ địa phương và dự án của các tổ chức quốc tế, gia đình chị Vàng Thị Cân đã không chỉ góp phần phát triển du lịch cộng đồng mà còn góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, góp phần giúp xã Bản Liền phấn đấu về đích xã nông thôn mới vào cuối năm 2021, trở thành điểm sáng ở vùng cao Bắc Hà.

Thực hiện: Trần Lê