Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ sẽ bao gồm 7 yếu tố gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; khấu hao nhà cửa; khấu hao trang thiết bị; chi phí quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh của người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chưa tính đủ các chi phí trực tiếp. Vì thế, Bộ Y tế vừa ban hành dự thảo thông tư điều chỉnh viện phí đối với người không có thẻ BHYT, theo hướng tính thêm tiền lương, phụ cấp. Dự kiến, mức tăng giá dịch vụ y tế tới đây dành cho đối tượng không có thẻ BHYT sẽ vào khoảng 30 % so với hiện tại.
Từ 1/1/2017, chi phí khám chữa bệnh tiếp tục tăng |
Theo dự thảo, lộ trình điều chỉnh giá thành chia làm 2 bước:
Bước 1: Mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù dự kiến thực hiện từ ngày 1/1/2017.
Bước 2: Mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 nêu trên và chi phí tiền lương dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2017.
Theo Bộ Y tế, hiện nay đã có gần 80% dân số có thẻ BHYT. Trong số 20% chưa tham gia BHYT, phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên. Do đó, nếu không tham gia BHYT thì lúc mắc bệnh, họ sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn.
Cũng theo ông Liên, việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, trẻ dưới 6 tuổi bởi Nhà nước đã hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí để mua thẻ BHYT.