Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số

03/11/2021 08:43
Cô và trò trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tương Dương (Nghệ An)

Cô và trò trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tương Dương (Nghệ An)

Rời bản làng, xa gia đình, các em học sinh vùng cao xứ Nghệ bước vào môi trường học tập, sinh hoạt tập thể ở trường nội trú. Ở đó, nhà trường là gia đình thứ hai của các em. Không chỉ dạy học, các thầy cô giáo còn quan tâm giáo dục lối sống, kỹ năng cho các em.

Nếp sống mới ở trường nội trú

Những năm học trước, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) THCS Tương Dương (Nghệ An) đón học sinh lớp 6 trước ngày tựu trường để các em có thời gian làm quen với cuộc sống mới. Ở đây, các em được giáo dục về truyền thống nhà trường, được hướng dẫn tác phong sinh hoạt tập thể từ những điều nhỏ nhất như cách giặt quần áo, gấp chăn màn, cách giữ vệ sinh cá nhân và môi trường. Thế nhưng năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên không có ngày tựu trường và khai giảng tập trung. Vì vậy, nhà trường giao cho giáo viên phụ trách từng lớp, từng phòng hướng dẫn các kỹ năng cơ bản cho các em khi sống ở môi trường mới.

Em Vừa Y Tồng (dân tộc Mông), học sinh lớp 8B Trường PTDTNT THCS Tương Dương, cho biết: "Những năm trước, chúng em được tham dự lễ khai giảng nhưng năm này không có. Chúng em được các thầy cô hướng dẫn, phổ biến quy chế tại ký túc xá của nhà trường".

Em Vi Thị Mai Xuân, học sinh lớp 7C của trường, chia sẻ: "Ở nội trú, chúng em thường dậy từ 5h30 phút để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đến lớp. Buổi sáng học chương trình chính khóa, buổi chiều học tăng cường. Sau bữa cơm tối, chúng em có giờ tự học tại lớp dưới sự hướng dẫn của các thầy cô ở nội trú".

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Học sinh trường PTDTNT THCS Tương Dương tìm hiểu thêm kiến thức ngoài giờ học chính khóa

Trường PTDTNT THCS Tương Dương là một trong những trường tập trung học sinh thuộc nhiều dân tộc nhất Nghệ An. Bởi vậy, nhận thức và năng lực của các em có sự khác nhau. Cô Lô Thị Thùy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, để tạo nề nếp cho các em trong học tập cũng như trong sinh hoạt, giáo viên phải uốn nắn, rèn cho học sinh ngay từ đầu năm học. Về thuận lợi, các em có dịp được giao lưu, tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Nhưng khó khăn đối với công tác giáo dục là các em còn thiếu kỹ năng, nhiều em ngại giao tiếp với các bạn khác dân tộc. Để hạn chế điều này, nhà trường bố trí mỗi lớp học đều có đủ các thành phần dân tộc và các em sinh hoạt tại kí túc xá theo lớp.

Cô Lô Thị Thùy chia sẻ: "Theo tôi, giai đoạn khó khăn nhất của học sinh dân tộc thiểu số khi tập trung "3 tại chỗ" là thời gian đầu mới nhập học. Các em còn nhỏ, lần đầu xa gia đình, nhiều em chưa biết tự chăm sóc bản thân, chưa quen sử dụng các thiết bị hiện đại. Sau 1 tháng, các em sẽ hòa nhập, học tập và rèn luyện tốt".

Dạy kỹ năng sống qua hoạt động tập thể

"Để giúp các em làm quen với môi trường nội trú, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, nhà trường lồng ghép các nội dung trong bài giảng để giáo dục học sinh đoàn kết, giữ gìn vệ sinh chung, yêu lao động, vượt khó, biết giúp đỡ người xung quanh", cô Lô Thị Thùy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Nhà trường lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh qua những hoạt động tập thể

Em Vừa Y Tồng tâm sự: "Học tập và sinh hoạt tại trường, em được các thầy, cô giáo hướng dẫn nhiều kỹ năng sống bổ ích. Ban đầu, em chưa quen nhưng với sự hướng dẫn của các thầy cô, em và các bạn đều biết tự chăm sóc bản thân và tự giác học tập, rèn luyện".

Với đặc thù là trường DTNT nên nhà trường chú trọng tổ chức các hoạt động tập thể và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, các em được rèn kỹ năng làm việc theo nhóm, ứng xử văn hóa, hòa đồng với bạn bè; đồng thời được tuyên truyền giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường, an toàn giao thông, giáo dục giới tính... Đặc biệt, nhà trường thường xuyên giáo dục các em biết trân trọng, giữ gìn trang phục và tiếng nói dân tộc mình. Vào thứ 2 hàng tuần, học sinh phải mặc trang phục dân tộc. Nhà trường còn mời nghệ nhân đến hướng dẫn học sinh các bài đồng dao, dân ca, các trò chơi dân gian. Trong các chương trình văn nghệ ưu tiên các tiết mục mang âm hưởng dân gian, tái hiện văn hóa các dân tộc. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã tổ chức hoạt động ngoại khóa đọc thơ bằng 3 thứ tiếng (Kinh, Thái, Mông) và được học sinh hưởng ứng. Trong năm học này, nhà trường dự kiến tiếp tục tổ chức với quy mô rộng hơn.

"Dù giáo viên nội trú ở đây có nhiều vất vả, đòi hỏi sự tâm huyết nhưng khi thấy các em ngày một trưởng thành, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Học sinh nội trú phải xa gia đình, không có bố mẹ bên cạnh đã là một thiệt thòi. Vì vậy, trường học là ngôi nhà thứ hai của các em", cô Lô Thị Thùy nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.