Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số

25/06/2022 16:03
Thông điệp về nạn buôn bán người và tảo hôn được thể hiện qua tranh vẽ đăng trên nền tảng số. Ảnh: Dự án Em Vui.

Thông điệp về nạn buôn bán người và tảo hôn được thể hiện qua tranh vẽ đăng trên nền tảng số. Ảnh: Dự án Em Vui.

Đây là dự án có sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan để tăng hiệu quả của những nỗ lực phòng chống tảo hôn và mua bán người, đặc biệt là tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số qua các nền tảng công nghệ hiện đại.

"Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số" (được gọi tắt là Dự án EMPoWR – Dự án Em Vui) do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu và tổ chức Plan International Bỉ. Đối tác thực hiện dự án là các cơ quan chính phủ, các tổ chức đoàn thể (Hội LHPN, Đoàn Thanh niên), các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội là thành viên của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam và các tổ chức trong nhóm công tác về quyền trẻ em.

Mục tiêu tổng thể Dự án Em Vui (giai đoạn 2020-2023) hướng tới là các em gái, em trai, nam nữ thanh niên dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sẽ sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu và tiếp cận quyền lợi của mình, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến của mình cho các nhà hoạch định chính sách. Đối tượng đích của dự án: 17.200 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (8.300 em nữ và 8.900 em nam) trong độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của dự án và 57.400 em tiếp cận tới dự án thông qua các hoạt động triển khai.

Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - Ảnh 1.

Các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tham gia tập huấn sử dụng nền tảng trực tuyến Em Vui. Ảnh: Dự án Em Vui

Gần gũi, phù hợp với thanh thiếu niên dân tộc thiểu số

Tại hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số" diễn ra ngày 24/6/2022 tại Hà Nội, đại diện dự án cho biết: Dự án đã xây dựng một nền tảng công nghệ số mang tên Em Vui bao gồm website emvui.vn, ứng dụng điện thoại Em Vui trên cả hai nền tảng IOS, Android và 6 kênh mạng xã hội cùng tên #DuAnEmVui. Trong đó dự án tập trung thúc đẩy tương tác qua 2 kênh mạng xã hội chính là Facebook và Youtube.

Để thực hiện triển khai dự án, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia cùng chia sẻ sản phẩm và xây dựng tài nguyên chung, nhằm mục tiêu tăng cường nỗ lực chung trong công tác phòng chống tảo hôn, mua bán người. Trong đó, có các chủ đề chính: Phòng chống tảo hôn; Phòng chống mua bán người; Kiến thức pháp luật; Sức khỏe sinh sản, tình dục; Kỹ năng mềm (an toàn mạng, phòng chống HIV, phòng chống sử dụng rượu, bia, thuốc lá, kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần thiết…).

Điểm đặc biệt là các tài liệu không giới hạn hình thức thể hiện, có thể là sổ tay, video, phim ngắn, phim hoạt hình, clip minh họa vi tính, tài liệu thân thiện, pano/áp phích/poster, infographic, bộ câu hỏi đố vui… phù hợp với đối tượng đích hướng tới là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - Ảnh 2.

Địa bàn thực hiện tại 11 huyện của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị. Ảnh: Dự án Em Vui

Tính tới ngày 22/6/2022, dự án đã đạt được những kết quả chính:  Nền tảng trực tuyến Em Vui bắt đầu chạy thử nghiệm từ ngày 15/7/2021. Trong 11 tháng qua trung bình mỗi ngày có khoảng 124 lượt truy cập. Trong 3 tháng gần đây trung bình mỗi ngày có khoảng 183 lượt truy cập.

Nhóm các hoạt động thực hiện với các em dân tộc thiểu số, dự án đã tổ chức hoạt động tập huấn an toàn mạng và thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui và hoàn thành 2 giai đoạn quan trọng. Đó là tập huấn TOT cho 300 cốt cán địa phương và Tập huấn và truyền thông cho các em tại 4 tỉnh, 11 huyện, 52 xã thuộc địa bàn dự án. Kết quả có: 5.200 em được tập huấn trực tiếp về an toàn mạng, 10.400 em được hướng dẫn sử dụng, tham gia vào nền tảng Em Vui. Các em nòng cốt sẽ lan tỏa đến nhiều em khác thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, các nhóm trong trường học và ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, dự án cũng có đa dạng các hoạt động tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số như phim, tiểu phẩm, thi đố vui, tuyên truyền trên truyền hình và báo chí…

Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức xã hội cũng chia sẻ mô hình, kinh nghiệm và việc thúc đẩy sử dụng Em Vui hiệu quả, nỗ lực chung tay hành động vì mục tiêu chấm dứt nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

"Qua cuộc tập huấn về an toàn mạng và giới thiệu nền tảng trực tuyến Em Vui, em đã biết cách bảo vệ thông tin cá nhân, cũng như học được nhiều kiến thức về phòng chống mua bán người, phòng chống tảo hôn qua ứng dụng Em Vui ngay trên điện thoại của em", 1 em học sinh cấp 2 tại Quảng Bình chia sẻ sau buổi tập huấn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.