Những sửa đổi về tăng tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát triển kinh tế-xã hội mà còn bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo đối thoại “Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi-Cơ hội cho doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 5/4 tại Hà Nội.
Cân nhắc trước 2 phương án
Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nêu rõ: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.”
Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 28-NQ/TW, dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đề xuất quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi với hai phương án.
Phương án 1, kể từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Với phương án này, sẽ mất 15 năm để lao động nữ về hưu ở tuổi 60 và 8 năm để nam về hưu ở tuổi 62.
Phương án 2 là kể từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, mất 10 năm để lao động nữ về hưu ở tuổi 60 và 6 năm để nam về hưu ở tuổi 62.
Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được thực hiện theo lộ trình chứ không điều chỉnh tăng ngay lên 60 tuổi với nữ, 62 tuổi với nam ngay từ năm 2021. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến để hoàn thiện phương án tăng tuổi nghỉ hưu.
Ông Mai Đức Thiện cũng nhấn mạnh, đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Lao động đang về hưu sớm
Mặc dù cho rằng đã đến thời điểm chín muồi để tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng cần có lộ trình tăng dần để tránh gây “sốc” cho người lao động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính đến việc giảm dần khoảng cách nam-nữ, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Vấn đề hiện nay Tổng liên đoàn quan tâm là người lao động trực tiếp, công nhân làm ngành nghề đặc biệt. Trong Nghị quyết 28 đã quy định những lao động nặng nhọc, độc hại, rút ngắn so với quy định 5 năm. Nên công nhân khu công nghiệp, chế xuất bây giờ họ quy định tuổi nghỉ hưu 55 với nữ 60 với nam nhưng hầu hết không ai làm việc đến lúc nghỉ hưu. Bây giờ mình nâng tuổi mà không có cơ chế giải quyết cho công nhân lao động trực tiếp ở các nhà máy, xí nghiệp thì chúng tôi băn khoăn.
“Tuổi nghỉ hưu là vấn đề được bàn thảo rất lâu trong các lần hoàn thiện pháp luật. Tăng theo lộ trình 4 tháng cho nữ, 3 tháng cho nam, hoặc 6 tháng cho nữ, 4 tháng cho nam thì phương án cần phải tính toán sau. Nhưng chúng tôi quan tâm là tuổi nghỉ hưu của lao động làm việc trực tiếp sản xuất,” ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Ông Lê Đình Quảng chỉ ra một thực tế, người lao động trực tiếp sản xuất tại các khu công nghiệp thường không thể làm việc đến 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam. Vậy thì việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu liệu sẽ có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của đối tượng lao động này.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định (55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam). Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ khoảng 54 tuổi, trong đó nam khoảng 55 tuổi và nữ là gần 53 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chỉ chiếm khoảng 40,5%, số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỷ lệ cao, trên 50%.
“Theo tôi nên sửa đổi cơ chế chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng được phép lựa chọn hưởng linh hoạt để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Lê Đình Quảng kiến nghị.