Tạo bánh nhau 3D điều trị tiền sản giật

09/03/2017 - 17:03
Mô hình bánh nhau được tạo ra bằng công nghệ in sinh học 3D hứa hẹn là phương pháp mới điều trị tiền sản giật và các bệnh lý thai sản khác.
Các nhà khoa học tại Viện Zayed Sheikh và Đại học Maryland (Mỹ) vừa tạo ra mô hình bánh nhau bằng công nghệ in sinh học 3D và sử dụng nó để nghiên cứu về tiền sản giật - một biến chứng thai sản đe dọa tính mạng bà bầu.

Công nghệ in sinh học (bioprinting) là công nghệ in 3 chiều các mô và cơ quan sinh học bằng các lớp tế bào sống, với chức năng và khả năng sống của tế bào được bảo tồn bên trong cấu trúc in. Vì mô hình bánh nhau in sinh học mô phỏng cấu trúc tế bào phức tạp của cơ quan này nên nó sẽ tạo ra cơ hội tìm hiểu và phát triển phương pháp điều trị mới đối với những bệnh lý chết người ở bà mẹ có liên quan đến bánh nhau.
Tiền sản giật là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh
Tiền sản giật là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, xảy ra ở 3%-8% số ca mang thai. Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật chưa được tìm ra và cách điều trị duy nhất hiện nay là đình chỉ thai.

Các nhà khoa học đã sử dụng mô hình in sinh học để quan sát sự di chuyển của các tế bào đặc biệt trong bánh nhau, gọi là những nguyên bào lá nuôinhững tế bào bám vào thành tử cung và sau đó xâm nhập vào mô của tử cung ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Những nguyên bào lá nuôi này cuối cùng sẽ đi sâu vào thành tử cung và kết nối với các mạch máu của người mẹ - đây là một giai đoạn sống còn trong thai kỳ vì bánh nhau sẽ đảm nhiệm vai trò nuôi dưỡng bào thai. Một số lý thuyết về nguyên nhân gây tiền sản giật cho rằng, các nguyên bào lá nuôi không di chuyển bình thường.

Để hỗ trợ điều trị tiền sản giật, các nhà khoa học cho rằng, cần tạo ra 1 mô hình bánh nhau in sinh học chứa các thành phần tế bào, sinh hóa và chất nền ngoại bào thiết yếu nhằm tái tạo sự tương tác cho việc di chuyển của nguyên bào lá nuôi.

Ông John P. Fisher, trường Đại học Maryland, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, các nhà khoa học sử dụng mô hình bánh nhau 3D để đánh giá ảnh hưởng của yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) đối với tập tính di cư của nguyên bào lá nuôi. Yếu tố tăng trưởng biểu bì kích thích tăng trưởng tế bào, tăng sinh và biệt hóa. Nghiên cứu đã chỉ ra, EGF có ảnh hưởng tích cực đến sự di cư của nguyên bào lá nuôi, cho thấy EGF có thể là một thuốc điều trị tiềm năng cho tiền sản giật.

Theo ông Che-Ying Kuo, trường Đại học Maryland, nghiên cứu là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng mô hình bánh nhau công nghệ sinh học tinh vi hơn, mở ra hướng thử nghiệm và phát triển các phương pháp điều trị mới đối với tiền sản giật. Mặt khác, nó còn mở ra hướng mới để nghiên cứu và điều trị những biến chứng thai sản ở mẹ có liên quan đến bánh nhau, bao gồm nhau cài răng lược và nhau tiền đạo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm