Tết Độc lập của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao

Vào ngày Tết Độc lập hay các dịp lễ hội, đồng bào dân tộc Mông thường biểu diễn khèn và các điệu múa truyền thống. Ảnh minh họa: ST

Vào ngày Tết Độc lập hay các dịp lễ hội, đồng bào dân tộc Mông thường biểu diễn khèn và các điệu múa truyền thống. Ảnh minh họa: ST

Khác với mọi năm, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng bào nhiều dân tộc vùng cao không tổ chức ngày hội vui Tết Độc lập mà đón Tết ở nhà. Đón Tết tại gia nhưng người dân vẫn có nhiều hoạt động để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Bác Hồ kính yêu…

Những năm trước, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, trong không khí chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu từ bản làng xa xôi đến các xã vùng thấp đều nô nức về các trung tâm huyện để vui Tết Độc lập. Tại ngày hội Tết Độc lập, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như triển lãm văn hóa, chợ vùng cao, thi đấu các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo); trình diễn trang phục, tổ chức các trò chơi dân gian, thi ẩm thực, lễ hội đường phố... được tổ chức.

Ngày Tết Độc lập những năm trước ở Lai Châu, những chàng trai vai vác khèn, tay cầm sáo, các cô gái lúng liếng trong trang phục với đường nét hoa văn sặc sỡ đến giao lưu và vui hội Tết. Đây cũng là dịp để các đôi trai gái gặp gỡ, hò hẹn, bén duyên chồng vợ; người thân, họ hàng ở xa được tụ họp, chuyện trò, hỏi thăm nhau.

Tết Độc lập của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao - Ảnh 1.

Đồng bào các dân tộc tham gia trò chơi trong dịp Tết Độc lập những năm chưa có dịch Covid-19

Các hoạt động văn nghệ, thể thao diễn ra trong ngày Tết nhằm giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời giúp tăng cường sự hiểu biết, khích lệ tình đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng dân tộc. Qua đó cổ vũ tinh thần thi đua lao động sản xuất, tạo niềm tin của đồng bào trước sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền tại tỉnh Lai Châu.

Cũng như Lai Châu, đã thành thông lệ, cứ vào dịp Kỷ niệm Quốc khánh 2/9, trong trái tim mỗi người dân Ðiện Biên nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng tại đây lại dấy lên niềm hân hoan, đầy tự hào. Với họ, ngày Tết Độc lập từ lâu đã trở nên gắn bó, là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, đoàn kết, hòa mình tận hưởng bầu không khí thiêng liêng, cũng như bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Bác Hồ kính yêu…

Tết Độc lập hàng năm, đồng bào các dân tộc tại Điện Biên có dịp cùng tham gia sân chơi văn hóa, văn nghệ, thể thao, giao lưu, tạo không khí đoàn kết, gắn bó. Còn tại gia đình, trong ngày Tết Độc lập, nhà nào cũng trang hoàng lại nhà cửa sạch sẽ, treo cờ Tổ quốc và chuẩn bị một con lợn béo, thêm mấy con gà hay những đặc sản nông nghiệp do mình làm ra để đón con cháu, anh em bạn bè, người thân nơi xa về. Mọi nhà cùng nhau mổ lợn, giã bánh giầy, nấu nướng, rồi quây quần bên mâm cơm đoàn viên rất vui vẻ.

Tết Độc lập của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao - Ảnh 2.

Đồng bào Mông thi kéo co mừng Tết Độc lập được tổ chức khi chưa có dịch Covid-19

Còn tại Sơn La, năm nay, bà con dân tộc cũng vui Tết Độc lập ở nhà. Những năm trước tại Sơn La, Tết Độc lập thường được tổ chức ở huyện Mộc Châu. Với các dân tộc nơi đây, đặc biệt là đồng bào người Mông, trong các năm trước, đúng dịp Quốc khánh 2/9, tất cả người Mông không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo từ các bản gần xa trong huyện lại nô nức rủ nhau xuống thị trấn Mộc Châu để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đã đem lại độc lập, tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người Mông nói riêng.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đối với người Mông, đồng bào rất trân trọng và coi đó là Tết Độc lập của dân tộc mình. Tết Độc lập còn có tên gọi là Tết Cờ đỏ sao vàng, khi dịp 2/9, đồng bào treo nhiều cờ đỏ sao vàng khắp làng bản mừng Quốc khánh.

Những năm trước, để đến ngày hội vui Tết Độc lập, bà con dân tộc Mông phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn; gái thì rực rỡ áo váy, tay cầm đàn môi, leng keng nhạc ngựa xuống thị trấn Mộc Châu. Sắc cờ đỏ thắm mừng ngày Tết Độc lập 2/9 hòa cùng sắc màu rực rỡ từ trang phục của đồng bào dân tộc Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung đã dệt nên bức tranh đa sắc màu nơi phố núi.

Tết Độc lập của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao - Ảnh 3.

Thiếu nữ dân tộc Mông cùng xem các bức ảnh chụp kỷ niệm khi tham gia vui hội Tết Độc lập

Tết Độc lập cũng như Tết năm mới, người Mông cũng làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên. Đây cũng là dịp để các gia đình, dòng họ đoàn tụ con cháu, cùng giao lưu, đoàn kết với các dân tộc khác; cũng như thể hiện lòng biết ơn đến Đảng, Bác Hồ kính yêu đã mang lại độc lập, tự do và luôn quan tâm để người dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người dân không đón Tết Độc lập tập trung. Bà con các dân tộc đồng lòng đón Tết ở nhà để chung tay chống dịch Covid-19. Để đón Tết, nhà nào cũng trang hoàng lại nhà cửa sạch sẽ, treo cờ Tổ quốc và tổ chức một số hoạt động trong khuôn khổ gia đình để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ… Vì thế, dù đón Tết ở nhà nhưng ngày Lễ đặc biệt này vẫn không thiếu đi niềm vui. Họ vui vì quê hương, bản làng ngày càng đổi thay, vui cho những nếp nhà khang trang, vui vì thóc lúa đầy bồ hơn, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tết Độc lập còn đường nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác tổ chức. Với đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị, năm nào cũng vậy, sau ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân từ già đến trẻ đều ngóng chờ ngày Tết Độc lập. Bà con chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường bản, treo cờ Tổ quốc và mua cho con trẻ quần, áo mới để mặc trong ngày Tết Độc lập. Năm nay, để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương và các già làng đã cùng thống nhất, không tổ chức vui Tết Độc lập như những năm trước, mà chỉ từng nhà làm mâm cơm để thắp hương lên bàn thờ của Bác Hồ.

BT

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.