Tết trong ký ức tuổi thơ của một kiều bào Pháp

07/02/2019 - 06:45
Xuân về trên đất khách, khí hậu rét mướt. Bất chợt, những kỷ niệm buồn vui mùa xuân xưa lại hiện lên trong tâm trí ông Nguyễn Thanh Tòng (kiều bào Pháp) như cuốn nhật ký đong đầy câu chuyện.

Sống ở nước ngoài gần nửa đời người, năm nào cũng nói sẽ về thăm nhà trong dịp Tết và tuần tự đến nay không biết bao xuân qua mà không về được cho dù ký ức Tết xưa cứ trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong những ngày này.

 
Ông Nguyễn Thanh Tòng trong dịp thực hiện dự án học bổng cho trẻ em tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, năm 2018

 

Tôi nhớ, cứ đến gần ngày Tết, Nội chuẩn bị nồi bánh tét truyền thống của gia đình, mà tôi không quên được kỷ niệm ngồi bên cạnh canh lửa trong đêm khuya. Ngồi nghe bà kể chuyện cổ tích trong tiếng lách tách của củi khô và tiếng sôi sùng sục của nồi bánh tét. Thương lắm dáng bà lưng còng, tóc bạc nhưng lúc nào cũng muốn chuẩn bị cho con cháu cái Tết chu đáo nhất.
 
Trên bàn thờ, bộ lư hương bằng đồng được đánh bóng. Chậu mai vàng bên phải, bên trái là mâm ngũ quả. Trên mâm ngũ quả lúc nào cũng phải có 1 chùm quả sung (với ước vọng là sang năm mới gia dình được sung túc). Cạnh đó là những món ăn của người Việt: chén cơm nóng, tô thịt, cá, trứng kho với nước dừa tươi, dĩa cải chua, bát canh măng hầm, món chả giò rán và một dĩa bánh tét. Chỉ nhắc đến thôi là đã thấy bao tử cồn cào. Vị béo của thịt và vị ngọt của nước dừa quyện vào nhau làm cho món ăn đậm đà, thanh tao.
 
Ngày mùng một Tết, dù bận mấy gia đình cũng phải sum họp. Con cháu quây quần trước bàn thờ tổ tiên gia đình được trang hoàng lộng lẫy để nhắc chuyện xưa và mừng tuổi Nội. Nội rất tươm tất, mặc áo dài gấm màu tím cà và đi đôi dép bằng gấm màu đen, những chi tiết ấy tôi còn nhớ rất rõ. Bà đứng bên cạnh bàn thờ để cầu khấn tổ tiên phù hộ cho con cháu dòng họ Nguyễn Đăng. Sau đó lần lượt vợ chồng Bác Hai, Ba Má, cô Sáu và các con cháu tiếp tục thắp nhang cầu cho năm mới an bình.
 
Gia đình sum họp ngày Tết cùng bà nội

  

Đầu tiên là chúc Tết Nội trước, tuần tự theo từng thứ bậc trong gia đình đến quỳ trước Nội để chúc Tết và hưởng lộc thọ mà bà ban cho mỗi người trong gia đình. Bà bao giờ cũng chuẩn bị một phong bì đỏ và những lời khuyên răn của bà dành cho con cháu. Ví dụ như: “thằng Hai, mầy không được nầy được nọ”, “còn thằng Năm không được nóng tính khó coi quá, cha nào con nấy mà”, “Con Sáu, thằng Khánh phải thuận thảo, mỗi lần bây cãi vả là tao muốn cuốn gói đi qua ở nhà anh Hai”. Bà luôn dùng những lời mộc mạc, thẳng thắn nhưng thấm thía. Cho dù con cái đều lớn và có địa vị trong xã hội nhưng Bà vẫn coi các con như thuở còn thơ dại.  Ôi, thương làm sao. Sau khi cha mẹ, chú bác, cô cậu mừng tuổi bà xong thì đến lượt những đứa cháu, đứa nào đứa nấy mắt sáng rực khi nhìn phong bì đỏ của bà đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, gia đình quây quần trước mâm cỗ, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.
 
 
Với tôi, khoảnh khắc khó quên khi Tết đến, Xuân về là không khí tưng bừng ngoài phố, những lời chúc tụng khi gặp nhau, được mặc bộ quần áo mới và đón nhận bao bì mừng tuổi mùa xuân của người thân, sau ấy là về quê thắp nén hương trên bàn thờ  ông bà tổ tiên.
 
Cuộc sống hiện nay không còn hương vị Tết thuần túy như xưa, không còn ngồi trước nồi bánh tét đang sôi sùng sục với cái nóng ấm của ngọn lửa bập bùng và nghe bà kể chuyện ngày xưa. Bây giờ, bà không còn nữa, tôi cũng xa quê cả vạn dặm đường nhưng những kỷ niệm thân thương ấy không bao giờ phai nhạt, nhất là trong những dịp Tết đến Xuân về.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm