Thả nổi điểm sàn: Sẽ có cách xử lý những trường 'vơ bèo vạt tép'

27/04/2018 - 16:09
Đó là khẳng định của lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trước băn khoăn dư luận về việc bỏ điểm sàn trong tuyển sinh năm nay (trừ ngành Sư phạm) kéo theo trình trạng thả nổi mức điểm.

Bộ GD&ĐT làm gì nếu điểm sàn quá thấp?

Tại cuộc họp báo sáng 27/4 do Bộ GD&ĐT tổ chức liên quan đến thi THPT và tuyển sinh 2018, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - khẳng định, Bộ GD&ĐT đã tính đến các phương án nếu trường nào có ý định hạ mức điểm sàn xuống thấp nhằm “vơ bèo vạt tép” nguồn tuyển đầu vào.

img_0981.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ thông tin tuyển sinh 2018 mới nhất. Ảnh: D.H 

Theo bà Phụng, điểm mới công tác tuyển sinh năm này là Bộ GD&ĐT trao quyền cho các trường trong việc quy định ngưỡng điểm đầu vào, thay vì phụ thuộc vào một mức điểm chung do bộ công bố những năm trước. Đa số các trường đều quan tâm đến chính sách chất lượng, cùng với thị trường ngày càng khó tính, cạnh tranh, nếu các trường không đi theo chất lượng và phải siết đầu vào thì khó tồn tại, phát triển.

Tuy nhiên, một số ít trường sẽ lợi dụng chính sách này của bộ để “làm liều”, sẵn sàng lấy điểm đầu vào thấp nhằm tuyển được người học bằng mọi giá. “Đây là mặt trái của tự chủ đại học, bởi khi cho tự chủ, không thể tránh khỏi tình trạng có những trường không đi theo chất lượng, nhất là những trường năng lực yếu kém”, bà Phụng nhìn nhận.

Nữ Vụ trưởng khẳng định, quy chế quy định các trường được công bố điểm sàn nhưng vẫn phải báo cáo với bộ. Chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời với những trường lấy điểm sàn quá thấp, trên cơ sở theo sát tình hình tuyển sinh của các trường.

“Thông thường, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo nhà trường, trên cơ sở đó, đa số các hiệu trưởng hiệu phó sẽ cùng thống nhất điều chỉnh. Điều này đã được kiểm chứng khi chúng tôi thực hiện điều chỉnh tổ hợp thi vừa qua. Khi thấy có trường có những tổ hợp tuyển sinh không đảm bảo, đã chủ động trao đổi với lãnh đạo và hầu hết đều có điều chỉnh theo hướng bộ đề nghị. Chưa vị hiệu trưởng nào nói với tôi là họ được quyền làm thế!”, bà Phụng chia sẻ.

Bên cạnh việc trao đổi trực tiếp trên tinh thần cầu thị, bà Phụng cho biết sẽ “ưu tiên” những trường này trong diện đối tượng thanh kiểm tra, không chỉ trong tuyển sinh đào tạo mà còn chất lượng đầu ra. Cần thiết trường nào trong diện thanh tra, Bộ GD&ĐT sẽ công bố rộng rãi.

“Các trường sẽ sớm nhận ra rằng, nếu họ cố tình làm thế, tự các trường sẽ “ghi tên” mình vào danh sách yếu kém, không được tin cậy, không được học sinh lựa chọn. Vào đại học mà chỉ lấy đầu vào 9, 10, 11 điểm thì học sinh chắc chắn sẽ nghĩ rằng mình chỉ lãng phí thời gian mà thôi!”, bà Kim Phụng nói thêm.

Điểm sàn ngành Sư phạm sẽ cao

Liên quan đến ngành học duy nhất là sư phạm có điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định, Vụ trưởng Giáo dục Đại học khẳng định, ngưỡng đầu vào ngành này thậm chí sẽ siết hơn với những trường xét tuyển bằng học bạ.

111.jpg
Ngành sư phạm sẽ thay đổi cục diện tuyển sinh trong năm 2018? Ảnh minh họa: D.H 

Theo đó, đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại  trung bình trở lên.

Cũng theo bà Phụng, khi xem xét ngành sư phạm trong tương quan các nhóm ngành, có dấu hiệu đáng mừng là tỷ lệ nguyện vọng (NV) chỉ tiêu ngành này ở mức trung bình, không quá thấp. Tỷ lệ dư NV trên tổng chỉ tiêu là 5,64% trong khi tỉ lệ dôi dư của khối ngành cao nhất là 7,88%, và có 3 khối ngành có tỉ lệ dôi dư thấp hơn ngành sư phạm.

“Tỷ lệ dư cho thấy vẫn đảm bảo ở mức có thể có nguồn tuyển tốt. Khi chủ trương đào tạo sát hơn theo hướng nâng chuẩn đầu vào - giảm chỉ tiêu, chúng tôi tin ngành này vẫn có khả năng hút người học. Những em đăng ký vào sư phạm, hi vọng là những em có học lực khá, giỏi thực sự yêu nghề, muốn gắn bó với nghề”, bà Kim Phụng lạc quan.

Với những trường giảm chỉ tiêu lớn, bà Kim Phụng cho biết có thể gặp khó khăn trong duy trì học viên, các hoạt động, chúng tôi sẽ xem xét đánh giá và cơ cấu lại, coi như một cơ hội để tái cơ cấu lại ngành sư phạm, từ đó nâng cao chất lượng toàn ngành”, bà Phụng lý giải.

- 50 là số NV được đăng ký nhiều nhất của thí sinh sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi, theo bộ GD&ĐT. Tỷ lệ NV đăng ký nhiều nhất là 3NV, chiếm 18%.

- Tổng chỉ tiêu tăng 1,2% so với 2017, với 455.174 chỉ tiêu đầu vào tuyển sinh năm 2018. Theo bộ GD&ĐT, con số này ổn định ngay cả trong điều kiện các trường được tự chủ quyết định số chỉ tiêu. “Số lượng tăng rất ít cho thấy dù cho trường tự chủ nhưng chỉ tiêu không vì thế mà cao vống lên, điều này rất đáng mừng” – theo bà Kim Phụng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm